Ấn Độ chiều Myanmar để ngăn Trung Quốc

Trong khuôn khổ chuyến công du bốn ngày đến Ấn Độ của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, ngày 29-8, Ấn Độ và Myanmar đã công bố tuyên bố chung.

Tuyên bố chung khẳng định hai bên tiếp tục củng cố hợp tác về an ninh và quốc phòng nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Ấn Độ-Myanmar.

Hai bên cũng tiếp tục duy trì cam kết chung về đấu tranh chống khủng bố và chống các nhóm nổi dậy dưới nhiều hình thức, không cho phép các nhóm này sử dụng lãnh thổ nước này để hoạt động thù địch ở nước kia.

Tuyên bố chung còn đề cập đến hợp tác về nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y học cổ truyền, kinh tế, thăm dò dầu khí.

Để khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ với nước láng giềng Myanmar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ sẽ dõi theo đối tác Myanmar trong từng chặng đường phát triển.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tại New Dehli ngày 29-8. Ảnh: TIMES OF INDIA

Ông cam kết với Tổng thống Htin Kyaw rằng Ấn Độ sẽ là đối tác hiệu quả của Myanmar trong quá trình thực hiện các mục tiêu an ninh và phát triển.

Ông nhấn mạnh Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ sáng kiến thúc đẩy tiến trình hòa bình của Myanmar mang tên “hội nghị Panglong của thế kỷ 21”.

“Hội nghị Panglong của thế kỷ 21” khai mạc tại Naypyidaw vào ngày 31-8 và kéo dài đến cuối tuần.

Dự kiến sẽ có Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tham dự. Khoảng 700 đại biểu của các nhóm nổi dậy vũ trang đã đồng ý tham dự hội nghị.

Báo Myanmar Times bình luận hội nghị đàm phán hòa bình ngày 31-8 là một trong những thách thức đối với cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi và chính phủ Myanmar.

Từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi chiến thắng trong bầu cử Quốc hội vào tháng 11-2015, bà đã đặt ra một trong những mục tiêu ưu tiên là khôi phục hòa bình với các nhóm nổi dậy thiểu số.

135 dân tộc thiểu số đại diện cho 1/3 dân số Myanmar. Chính thành phần này đã dồn phiếu cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ của bà.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới rồi, bà đã nhấn mạnh: “Không có hòa bình, không thể có phát triển bền vững”. Chính vì thế bà đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh vì nhiều nhóm nổi dậy thân cận với Bắc Kinh.

Báo Times of India đánh giá Trung Quốc đã giữ vai trò tác động để các nhóm nổi dậy ở Myanmar ngồi vào bàn đàm phán.

Dù vậy, phía sau thiện chí này ẩn chứa hai nguy cơ: Một là tình hình buôn lậu ở biên giới có thể sẽ gia tăng và hai là Trung Quốc đang nuôi dưỡng ý đồ tham gia xây dựng đường bộ và đường sắt ở miền Bắc Myanmar.

Nếu Myanmar nghiêng quá nhiều về Trung Quốc, các lợi ích chiến lược của Ấn Độ về thương mại, năng lượng, quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng.

Ấn Độ cũng sẽ khó ngăn chặn Trung Quốc bành trướng sức mạnh ở Ấn Độ Dương nếu Trung Quốc gia tăng sự hiện diện hải quân ở Myanmar.

Hội nghị đàm phán hòa bình được gọi là “hội nghị Panglong của thế kỷ 21” để nhắc đến thỏa thuận lịch sử mà tướng Aung San (cha của bà Suu Kyi) đã ký kết năm 1947 với các phe nổi dậy nhằm đặt nền móng xây dựng liên bang sau khi giành độc lập. Năm 1948, Myanmar độc lập nhưng tướng Aung San đã bị ám sát. Năm 1962, tướng Ne Win đảo chính.

Suốt nhiều thập niên cánh quân sự cầm quyền cho đến năm 2011, xung đột thường xuyên xảy ra giữa quân đội và các nhóm nổi dậy. Đến năm 2015, chính phủ Myanmar đạt được thỏa thuận hòa bình mong manh với tám nhóm nổi dậy nhưng nhiều nhóm quan trọng lại không ký kết nên giao tranh vẫn tiếp diễn, đặc biệt ở bang Kachin (miền Bắc) và bang Shan (miền Đông).

___________________________

Hai nước đã chia sẻ di sản quan hệ tôn giáo, ngôn ngữ và sắc tộc. Tại Myanmar có đông đảo người dân có gốc gác Ấn Độ. Ngoài ra, Myanmar là cửa ngõ của Ấn Độ để vào Đông Nam Á và ASEAN, qua đó Ấn Độ tìm kiếm hòa nhập kinh tế lớn hơn qua trung gian của chính sách “Nhìn về phía Đông”…

Tuyên bố chung Ấn Độ-Myanmar

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm