Ấn Độ: Đổi tên quả thanh long vì không muốn nhớ tới Trung Quốc

Phản đối tình trạng đối đầu tại biên giới ở dãy Himalaya với Trung Quốc, một bang ở Ấn Độ mới đây đã quyết định đổi tên quả thanh long, một trong những loại trái cây phổ biến tại nước này, nhằm tránh “gợi nhớ đến Bắc Kinh”, tờ Nikkei Asia ngày 24-2 đưa tin.

Thủ hiến bang Gujarat Vijay Rupani tuyên bố tên quả thanh long kể từ bây giờ sẽ đổi tên thành “kamalam”, có nghĩa là “hoa sen”.

Hoa sen là quốc hoa của Ấn Độ và là biểu tượng của đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) cũng là đảng của Thủ tướng Narendra Modi. Bản thân Thủ hiến Rupani cũng là thành viên BJP.

Ông Rupani lý giải quyết định trên rằng quả thanh long tên tiếng anh là “dragonfruit”, điều này “gợi nhớ đến Trung Quốc” khi Bắc Kinh được biết đến biệt danh là “rồng”.

'Không muốn gợi nhớ Bắc Kinh', Ấn Độ đổi tên quả thanh long. Ảnh: TANAPHONG TOOCHINDA UNSPLASH

Theo Nikkei Asia, động thái trên đã nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận Ấn Độ.

Quyết định đổi tên phản ánh lý do chính trị trên của Ấn Độ lại là chủ đề của một loạt các bình luận hài hước trên mạng xã hội Twitter.

Một chính trị gia đã bình luận rằng: “Con rồng đã bị loại bỏ”. Phản hồi bình luận này, một người khác đã trả lời kèm một loạt biểu tượng cảm xúc cười: “Con rồng đã bị ‘chiếu tướng’… khoan đã, ý tôi là trái thanh long”.

Một người khác đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại chỉ dừng lại ở quả thanh long? Tại sao không đổi tên tất cả các đối tượng có tên gợi nhớ đến Trung Quốc? Ví dụ, đường trắng được gọi là 'cheeni', và chảo nấu ăn được gọi là 'cheenachatti' ở bang Kerala - cả hai đều ám chỉ một cách chắc chắn đến tiền thân của đồ dùng Trung Quốc”.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, quả thanh long không có mối liên hệ thực sự nào với Trung Quốc ngoài tên tiếng Anh của nó, Nikkei Asia dẫn lời phóng viên Neeta Lal tại Delhi nhận xét.

Theo bà Lal, là loại trái cây ưa thích của người châu Á, thanh long có nguồn gốc từ Mexico và Nam-Trung Mỹ, và được trồng rộng rãi ở các vùng cận nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Caribe và Úc.

Parimal Das, một nông dân 57 tuổi ở bang Tripura, chia sẻ rằng thanh long được đưa đến Ấn Độ vào những năm 1990 và hiện đang phát triển mạnh ở miền nam và miền trung nước này.

Ông Vivek Nair, một nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu về thực phẩm ở Delhi, cho biết thanh long còn có nhiều tên gọi khác, bao gồm "pitahaya" và "pitaya roja" ở Mỹ Latinh và lê dâu tây (strawberry pear) ở Mỹ.

“Tại Việt Nam, loại trái cây này được gọi là thanh long. Vì hoa của cây thanh long chỉ nở rộ đúng một lần và chỉ vào ban đêm. Điều này lý giải tại sao chúng còn được gọi là ‘Hoa trăng’ (Moonflowers)” – ông Nair nói thêm.

Theo Nikkei Asia, thanh long cũng là một trong những nguồn cảm hứng tại Ấn Độ.

Bà Lucy Ngullie, một doanh nhân chuyên sản xuất rượu ở bang Nagaland, đã tung ra thị trường loại vang thanh long hữu cơ có giá 15 USD một chai. Bà Ngullie chia sẻ rằng “mọi người đã xếp hàng” để có thể sở hữu loại rượu này.

Thanh long cũng là thành phần được các nhà ẩm thực Ấn Độ chế biến, tạo nên các loại món ăn đa dạng như kem que thanh long, cocktail, mocktail, salad, nước giải khát, tacos, smoothies và guacamole.

Những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành trồng trọt thanh long.

Trước đó, trong chương trình Mann Ki Baat (Heart-to-Heart Talk), Thủ tướng Modi hồi năm 2020 đã ca ngợi những công dụng của quả thanh long, đồng thời ca ngợi nông dân ở huyện Kutch của bang Gujarat vì đã góp phần vào công cuộc tự chủ của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm