Ấn Độ giải tỏa căng thẳng ở biển Đông

Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc lập đường dây nóng hải quân và tổ chức một số cuộc gặp trực tiếp với hải quân Trung Quốc để ngăn chặn khả năng xảy ra sự cố hiểu lầm trên biển giữa hai bên.

Ngày 2-12, Tư lệnh hải quân Ấn Độ - Đô đốc Nirmal Verma cho biết như trên tại cuộc họp báo trên boong tàu sân bay INS Viraat nhân kỷ niệm ngày Hải quân Ấn Độ 4-12.

Ý tưởng nêu trên xuất phát từ thực tế hoạt động của các đường dây nóng giữa quân đội hai nước Ấn Độ và Pakistan đã lập để giải quyết căng thẳng về tranh chấp biên giới giữa hai bên.

Ấn Độ cũng đang nghiên cứu khả năng sẽ ký kết với Trung Quốc nghị định thư song phương nhằm tránh xung đột trên biển tương tự nghị định thư tránh xung đột giữa tàu chiến của Liên Xô và Mỹ vào thời kỳ cao điểm chiến tranh lạnh.

Ấn Độ giải tỏa căng thẳng ở biển Đông ảnh 1

Ảnh: defence.pk

Cũng trong cuộc họp báo, Tư lệnh hải quân miền Tây Ấn Độ - Phó Đô đốc D. K. Joshi tuyên bố hải quân Ấn Độ không có kế hoạch lập căn cứ ngoài nước. Tuy nhiên, ông nói vấn đề này vẫn sẽ được xem xét đến nếu quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ ở nước ngoài bị đe dọa.

Phó Đô đốc D. K. Joshi cho rằng việc Công ty ONGC Videsh Nigam Ltd của Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở biển Đông là quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ. Ông nhấn mạnh nếu quyền lợi này bị đe dọa, hải quân Ấn Độ sẽ triển khai căn cứ ở biển Đông để bảo vệ tài sản.

Trong cuộc họp báo ngày 2-12, Đô đốc Nirmal Verma khẳng định hải quân Ấn Độ đang được hiện đại hóa nhanh chóng và hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Dù vậy, ông vẫn tỏ thái độ lo ngại Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển hệ thống tàu ngầm và tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D. Theo ông, hải quân Ấn Độ cần có biện pháp đối phó vì tên lửa DF-21D sẽ nguy hiểm khó lường một khi hoạt động hết chức năng.

Đô đốc Nirmal Verma cho biết để bảo vệ Ấn Độ khỏi mọi khả năng xấu có thể xảy ra, hải quân không những tăng cường trang bị khí tài, vũ khí, binh sĩ mà còn mở rộng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước nhỏ ven biển. Đô đốc khẳng định tàu ngầm INS Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ sẽ chạy thử nghiệm trong vài tháng tới.

Ngoài ra, tàu sân bay mới INS Vikramaditya Ấn Độ mua của Nga cũng sẽ được đại tu vào cuối năm nay và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2012.

Hồi tháng 8, tàu đổ bộ tấn công INS Airavat của Ấn Độ đang trên biển Đông đã bị một người xưng là đại diện của Trung Quốc đe dọa qua sóng truyền thanh rằng tàu đã vi phạm lãnh thổ Trung Quốc. Năm 2009, Trung Quốc đã từng tuyên bố tàu chiến Trung Quốc đã buộc một tàu ngầm Ấn Độ phải trồi lên mặt nước sau khi phát hiện tàu ngầm truy đuổi tàu Trung Quốc được triển khai trên Ấn Độ Dương để chống cướp biển.

Dự kiến Ấn Độ sẽ đưa tàu ngầm INS Arihant tham gia hoạt động tuần tra vào cuối năm 2012. Tàu nặng 5.000-6.000 tấn, có khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Đây là một trong ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Ấn Độ đang đóng với sự trợ giúp của Nga. Tàu ngầm INS Arihant đã đưa Ấn Độ trở thành nước thứ sáu trên thế giới có khả năng thiết kế, đóng và hoạt động tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

THIÊN ÂN - LÊ LINH (Theo Daily Pioneer, The Star, Times of India)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm