An ninh Mỹ căng mình lo 'hiệp hai' của người ủng hộ ông Trump

Đến thời điểm hiện tại, việc Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20-1 gần như không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Donald Trump cùng người ủng hộ ông nhiều khả năng vẫn sẽ không chấp nhận sự thật này. Điều đáng lo ngại là nhiều nhóm chính trị cực hữu cũng có thái độ phản đối tương tự.

Cảnh sát thủ đô Washington, D.C. cùng một số binh sĩ lực lượng Vệ binh quốc gia đứng gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 9-1. Ảnh: REUTERS

Xuất hiện nhiều dấu hiệu quan ngại

Theo hãng tin Bloomberg, tuần qua, nhiều nhóm cực hữu đã tuyên bố trên một loạt nền tảng mạng xã hội rằng đang lên kế hoạch xúc tiến “hiệp hai” sau kỳ bạo động ở Điện Capitol, mục tiêu lần này là gây rối lễ nhậm chức của ông Biden.

“Nhiều người trong chúng tôi sẽ quay lại vào ngày 20-1, mang theo vũ khí để thể hiện sự quyết tâm của người dân. Chúng tôi sẽ đến đó với một số lượng mà không một quân đội hay cơ quan cảnh sát nào có thể sánh được” - một người dùng mạng xã hội Parler thường xuyên đăng các bài viết có liên quan tới nhóm cực đoan QAnon viết.

Tương tự, một người dùng khác trên nền tảng TheDonald.win cũng đăng tải nhiều thông điệp mang tính đe dọa như “Lần này chúng tôi sẽ không thương tiếc và “Tôi thậm chí không quan tâm đến việc giúp ông Trump tiếp tục nắm quyền, tôi chỉ quan tâm đến chiến tranh”.

Bloomberg cho biết Parler, TheDonald.win và ứng dụng nhắn tin Telegram là ba trong số các nền tảng mạng xã hội được nhiều nhóm cực hữu sử dụng để tuyên truyền các nội dung kích động, cực đoan, bởi các nền tảng này cho phép người dùng hoạt động ẩn danh, không bắt buộc phải đăng ký thông tin cá nhân chính chủ.

 

6.200

binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia từ sáu bang Virginia, Pennsylvania, New York, New Jersey, Delaware và Maryland đã được điều động làm nhiệm vụ hỗ trợ cảnh sát thủ đô cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác tại Washington, D.C. trong 30 ngày tới.

Hiện chưa rõ liệu các nhóm nói trên hoạt động liên kết với nhau hay chỉ là những tuyên bố tự phát, đơn lẻ. Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo việc những nhóm cực hữu liên kết lại thành một lực lượng có tổ chức sẽ là một mối đe dọa an ninh quốc gia không thể xem nhẹ.

Trả lời đài CNN, ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc tổ chức quốc tế Anti-Defamation League, chuyên giám sát và vận động chống các phát ngôn, thông điệp thù địch, cho biết có dấu hiệu những nhóm cực hữu Mỹ đang trở nên kích động hơn sau khi nỗ lực ngăn chặn Quốc hội (QH) xác nhận chiến thắng của ông Biden bất thành hôm 6-1. Ngày 20-1 sẽ là cơ hội cuối cùng để các nhóm này phản đối tân tổng thống. “Do vậy, bình thường giữa các nhóm cực hữu Mỹ hay nổ ra bất đồng quan điểm chính trị nhưng có thể sắp tới họ sẽ gạt bỏ những khác biệt và liên kết nhằm tăng cơ hội thành công. Dù tôi vẫn chưa rõ mục đích cuối cùng của họ là gì, bởi phá rối hay không thì ông Biden vẫn là tổng thống được bầu cử hợp hiến và ông Trump vẫn phải xuống ghế vì hết nhiệm kỳ” - theo ông Greenblatt.

Theo chuyên gia an ninh Cindy Otis thuộc Công ty tư vấn rủi ro Alethea Group (Mỹ), các kế hoạch biểu tình vũ trang của những nhóm cực hữu nhìn chung vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ vì nguy cơ nổ ra bạo lực vẫn rất lớn do các đối tượng nhận thấy việc xâm nhập tòa nhà QH và tiếp cận các quan chức chính trị đối lập quá dễ dàng, như những gì đã diễn ra hôm 6-1.

An ninh Mỹ ra quân quyết liệt

Tờ The Washington Post dẫn nhiều nguồn tin nội bộ trong một số cơ quan như Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI) hay Cơ quan Mật vụ (USSS) cho biết ngành an ninh Mỹ đang tất bật chuẩn bị cho công tác đảm bảo an toàn buổi lễ nhậm chức của ông Biden.

 

Ông Pence sẽ dự lễ nhậm chức ông Biden thay ông Trump

Hãng tin Reuters ngày 10-1 dẫn nguồn tin nội bộ Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dự lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Joe Biden ngày 20-1 tới thay cho đương kim Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng mình sẽ không dự buổi lễ này. Ông Biden khi nghe về tin này cho hay ông đồng tình với quyết định của người tiền nhiệm.

Trong lịch sử Mỹ, có nhiều tổng thống từng quyết định không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, như trường hợp của Tổng thống thứ 37 Richard Nixon rời Nhà Trắng khi người kế nhiệm Gerald Ford tuyên thệ vào tháng 8-1974.

Một đặc vụ giấu tên thuộc USSS cho hay lãnh đạo cơ quan đã vạch sẵn một số kế hoạch cho lễ nhậm chức từ cuối năm 2019, trong đó bao gồm “tất cả trường hợp dự phòng có thể xảy ra ở mọi cấp độ”. Người này cũng thừa nhận cuộc bạo động ngày 6-1 ở QH là một sự kiện chưa có tiền lệ và đã khiến USSS phải thay đổi và bổ sung nhiều phương án an ninh nhưng nhìn chung “mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát”. Cũng theo quan sát của The Washington Post, nhiều lớp hàng rào sắt kiên cố được thiết kế để ngăn chặn mọi hành vi vượt rào đã được dựng lên xung quanh tòa nhà QH nhằm tránh việc người biểu tình trèo qua rào và giằng co với cảnh sát.

Về phía FBI, cơ quan này đang triển khai lực lượng điều tra, theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội xem ngoài ý định gây bạo động thì các nhóm cực hữu còn có ý định bắt cóc hay thủ tiêu các chính trị gia đảng Dân chủ hay không.

Bà Muriel Bowser, Thị trưởng thủ đô Washington, D.C., mới đây còn gửi riêng một bức thư tới DHS nhấn mạnh rằng “một cách tiếp cận rất khác” phải được thực hiện trong lễ nhậm chức của ông Biden để đảm bảo vụ việc ngày 6-1 không tái diễn. Bà Bowser yêu cầu DHS phải gia hạn các điều khoản khẩn cấp để cho phép các cơ quan liên bang và địa phương chuẩn bị tốt hơn cho lễ nhậm chức cũng như hủy bỏ hoặc từ chối mọi giấy phép xin tụ tập công cộng đông người vào ngày 20-1. “Đây là những việc cần thiết để thể hiện quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực theo hiến pháp một cách nghiêm chỉnh” - bà Bowser khẳng định.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm