Anh dựng 'vành đai thép' ngăn cản nhập cư phi pháp

Được mệnh danh là “vành đai thép”, dãy hàng rào này dài gần 20 Km và có chiều cao trên 2,7 m vừa được sử dụng trong hội nghị cấp cao NATO, được tổ chức ở miền Nam xứ Wales, để bảo vệ các bộ trưởng cũng như các nhà lãnh đạo khỏi các nguy cơ khủng bố.

Theo lời ông James Brokenshire Bộ trưởng Di trú nước Anh, hàng rào trên sẽ bảo vệ quốc gia khỏi những kẻ nhập cư bất hợp pháp đang bằng mọi giá vượt eo biển Anh vào nước đảo quốc này từ cảng Calais (Pháp), vốn là trạm trung chuyển từ châu âu lục địa vào Anh trong hàng nhiều thế kỉ nay.

 ông James Brokenshire Bộ trưởng Di trú nước Anh

Phát biểu trên tờ Telegraph, ngài Bộ trưởng cho rằng dãy rào cũ lỗi thời ở Calais vốn quá dễ dàng bị những người nhập cư bất hợp pháp vượt qua nay cần được thay thế và gia cố thêm.

Khu vực cảng Calais giờ đây đã trở thành một trại tị nạn tạm thời của hơn 1300 người di cư từ nhiều nước như Afghanistan, Eritrea, Syria và vùng bất ổn ở Trung đông, Bắc Phi và Đông Phi. Theo ước tính các nhà chức trách, con số người nhập cư bất hợp pháp đã tăng đến 50% trong tháng rồi và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh.
Trong nỗ lực để đặt chân lên bờ biển nước Anh, những người di cư lũ lượt tập trung đến Calais và thường xuyên leo qua hàng rào hiện tại, vốn cao đến 5m, để đu theo xe tải hay các chuyến phà đến Anh. 

Hành khách và cánh tài xế đi qua đường hầm xuyên biển Anh-Pháp được cảnh báo rằng phải kiểm tra kĩ lưỡng phương tiện của họ xem có người trốn bên trong hay không.

 Những người nhập cư cầm biểu ngữ đòi chính phủ Pháp bảo vệ điều kiện sinh sống của họ ở Calais (Nguồn AP)

Theo tờ Daily Mail (Anh), người tị nạn “không bao giờ bị bắt” nên họ cứ leo lên một chiếc xe tải và mà không cần biết sẽ đến Paris hay nước Đức. Nếu có nhầm thì họ tiếp tục “thử lại”.

Giữa lúc tình hình khu vực đang trở nên căng thẳng, những người theo phe cực hữu đã xuống đường kêu gọi “giải cứu” Calais khỏi những người nhập cư vô gia cư trong hôm Chủ nhật vừa rồi. Hơn 250 người bao gồm một nhóm có tên “Cứu lấy Calais” và băng đảng đầu trọc đã tham gia biểu tình chống nhập cư trên nhiều đường phố ở thành phố này.
Để đối phó với vấn đề này, các nhà cầm quyền Pháp đã chính thức kêu gọi sự giúp đỡ từ phía nước Anh. Họ cho là thành phố đã bị “chiếm giữ” bởi những người nhập cư để vượt qua eo biển đến Anh. 
Thị trưởng thành phố Calais, ông Natacha Bouchart còn dọa sẽ đóng cửa khu cảng nếu phía Anh không màng đến khó khăn của phía Pháp. 
Ông nói: “Chúng tôi rất muốn Chính phủ Anh xem xét lại luật pháp Anh bởi nó quá “dễ thở” đối với người nhập cư vào châu Âu. Chúng tôi muốn Chính phủ các ngài điều chỉnh luật pháp theo hướng cứng rắn và ít hấp dẫn những người nhập cư hơn”.
Trong khi đó, phía Bộ trưởng Di trú Anh lại cho rằng trách nhiệm duy trì an ninh trật tự tại khu cảng thuộc về nước Pháp. Tuy nhiên, phía Anh sẽ giúp đỡ những gì có thể. 
Ông James Brokenshire nói: “Nhiều triệu bảng Anh đã được đầu tư để cải thiện và nâng cấp an ninh ở Calais”. 
Ông cũng nhấn mạnh, việc lắp đặt hàng rào mới chỉ là một phần trong thông điệp: nước Anh không hề dễ dãi với nạn nhập cư bất hợp pháp.
Trước thực trạng nhiều người vẫn muốn vượt biên đến Anh mặc cho những cải cách an ninh, ngài Bộ trưởng cảnh báo những người nhập cư không nên ảo tưởng về tương lai tươi sáng chờ đón họ nếu họ vào Anh bất hợp pháp. 
Theo ông, người nhập cư bất hợp pháp “sẽ không thể thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng hoặc lấy giấy phép lái xe”. Đồng thời, ông hứa sẽ cử một đoàn nhân viên chính phủ đến Paris dự các cuộc tọa đàm khẩn cấp với phía Pháp.
Trong khi đó, các chuyên gia khác lại cho rằng vấn đề người nhập cư ở Calais là vấn đề “căn bản không thể giải quyết” nếu như không tăng cường tuần tra ở khu vực Địa Trung Hải. Đồng thời, nâng cao hợp tác giữa các quốc gia quá cảnh mà người nhập cư đi qua. 
Ông Tim Finch, trưởng bộ phận di trú thuộc Viện Nghiên cứu Chính Sách Công (Anh), đánh giá hàng rào mới “có thể khó leo hơn, nhưng người ta rồi sẽ nhanh chóng tìm được cách khác mà thôi”.
Chính tị gia người Anh, Michael Howard, khuyên Pháp nên “thương lượng” với những người tị nạn hơn là đổ thừa cho phía Anh. Được biết, vào thập niên 1990, Anh và Pháp đã thỏa thuận: đảo quốc này sẽ gửi trả những người từ Pháp đến đòi tị nạn tại Anh và nước Pháp phải tự giải quyết đòi hỏi của những người này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm