Anh rút, Mỹ lại tìm liên minh

Tại Anh, đêm 29-8 (giờ địa phương), sau 8 tiếng thảo luận đề nghị can thiệp quân sự vào Syria của Thủ tướng David Cameron, Quốc hội đã bỏ phiếu bác bỏ với 285 phiếu chống, 272 phiếu thuận. Công đảng (đối lập) phát biểu phải biết kết quả điều tra của đoàn thanh tra LHQ rồi mới có thể quyết định được.

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng David Cameron đã cam kết sẽ tôn trọng quyết định của Quốc hội. Bộ trưởng Quốc phòng Philip Hammond khẳng định như vậy Anh sẽ không tham chiến.

Trước đó tại Canada (nước đồng minh của Mỹ), Thủ tướng Stephen Harper tuyên bố Canada ủng hộ tấn công quân sự đối với Syria nhưng Canada không tham gia.

Báo Neue Osnabrücker Zeitung (Đức) ngày 30-8 đã đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định Đức loại trừ khả năng tham gia can thiệp quân sự vào Syria.

Anh rút, Mỹ lại tìm liên minh ảnh 1

Biếm họa của JOHN COLE (báo The Scranton Times-Tribune)

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để thảo luận nhiều khía cạnh trong cuộc khủng hoảng Syria. Hai bên nhất trí phải giải quyết tình hình Syria bằng các giải pháp chính trị-ngoại giao và nhấn mạnh điều quan trọng là phải xem xét kết quả điều tra của đoàn thanh tra LHQ.

Trong bối cảnh đó tại Mỹ, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã tuyên bố vì lợi ích quốc gia, Mỹ sẽ giữ quyền đơn phương tấn công Syria mà không chờ đợi LHQ hay các nước đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết Mỹ tôn trọng kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Anh và Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm liên minh quốc tế để hợp sức trả đũa Syria.

Báo Washington Post (Mỹ) ngày 29-8 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã sẵn sàng chỉ thị tấn công hạn chế vào Syria. Chiến dịch tấn công sẽ mở màn khi đoàn thanh tra LHQ rời Syria (dự kiến vào ngày 31-8).

Dự kiến sau khi đoàn thanh tra LHQ rời Syria, các mẫu thu thập được sẽ được chuyển cho các phòng xét nghiệm ở châu Âu phù hợp với Công ước về cấm vũ khí hóa học. Phải mất nhiều tuần mới có kết quả phân tích.

Trong khi đó tại Pháp, Tổng thống François Hollande khẳng định Pháp vẫn mong muốn một hành động cân xứng và mạnh mẽ đối với Syria. Ông nhấn mạnh dù Anh không tham gia chiến dịch quân sự tấn công Syria thì Pháp vẫn không thay đổi quan điểm. Trả lời báo Le Monde (Pháp), ông cho biết đã trao đổi quan điểm sâu sắc với Tổng thống Obama.

Tại Israel, đài phát thanh quân đội loan tin một dàn phóng tên lửa đánh chặn đã được triển khai vào sáng 29-8 ở thủ đô Tel Aviv. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel quyết định triển khai tên lửa đánh chặn Iron Dome và các hệ thống đánh chặn khác nhằm chuẩn bị đối phó nếu có chiến dịch quân sự tấn công Syria.

Theo yêu cầu của Nga, ngày 29-8, Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục họp về tình hình Syria. Sau cuộc họp kéo dài 45 phút, không có tuyên bố nào từ đại diện năm nước thành viên thường trực. Sau đó, hãng tin Itar-Tass cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Nga đã phản đối mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cho phép sử dụng vũ lực đối với Syria.

Các nguồn tin ngoại giao ở Trung Đông cho biết quân đội Syria đã triển khai tên lửa chiến thuật Scud (tầm bắn 300 km) do Nga sản xuất. Hàng chục dàn phóng tên lửa Scud đã được vận chuyển từ một căn cứ quân sự gần thủ đô Damascus vào sâu trong nội địa. Tháng 12-2011, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thông báo quân đội Syria đã được trang bị tên lửa chiến thuật Scud để đánh quân nổi dậy. Cho đến giờ Bộ Ngoại giao Syria vẫn bác bỏ thông tin Syria có tên lửa Scud.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm