Ảnh Triều Tiên chụp tên lửa đã qua chỉnh sửa?

Đài CNN ngày 5-12 dẫn thông tin từ một nhà phân tích cho biết một số hình ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 rạng sáng 29-11 dường như đã được chỉnh sửa.

Cụ thể, ông Marco Langbroek, một chuyên gia về vũ trụ chuyên theo dõi chương trình tên lửa của Triều Tiên, cho biết ông phát hiện có điều gì đó bất thường đối với các chòm sao xuất hiện trong các hình ảnh. Ông xác định hướng của các bức ảnh dựa trên hình dạng cột khói bốc lên từ động cơ tên lửa.

Hai bức ảnh này chụp ở hai góc đối xứng nhau. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể đã lấy nền có chòm sao Canis Major ghép vào bức ảnh thứ hai (image 2) để làm nổi bật tên lửa Hwasong-15. Ảnh: MARCO LANGBROEK/RODONG SINMUN

Trong loạt ảnh công bố, rõ ràng có hai bức ảnh chụp theo góc đối xứng nhau (căn cứ vào hình dạng khói bốc lên và dòng chữ có xuất hiện ở thân tên lửa của ảnh một nhưng không xuất hiện ở thân tên lửa của ảnh thứ hai). Bức ảnh đầu tiên theo hướng Đông Nam, có xuất hiện chòm sao Orion (Lạp Hộ).

Nếu đối diện thì tức ở hướng Tây Bắc, có chòm sao Andromeda (Tiên Nữ). Tuy nhiên, bức ảnh thứ hai không xuất hiện chòm sao này mà thay vào đó là chòm sao Canis Major (Đại Khuyển) - chòm sao xuất hiện ở hướng Đông Nam. Một sai sót khác nữa là ngôi sao Sirius (Thiên Lang), ngôi sao alpha của chòm sao Đại Khuyển và là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, lại không xuất hiện trong bức ảnh thứ hai.

Xe tải chở tên lửa Hwasong-15 tới địa điểm phóng rạng sáng 29-11. Ảnh: KCNA

Ông Langbroek cho biết ông nghiên cứu các hình ảnh này kể từ khi chúng được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hồi tuần trước. Các nhà chụp ảnh Triều Tiên có thể đã điều chỉnh máy ảnh lâu hứng được nhiều ánh sáng. Tuy nhiên, việc phơi sáng lâu có thể khiến bức ảnh chụp cảnh tên lửa bay khỏi bệ phóng bị mờ đi, theo CNN.

Khi chụp một tên lửa vào ban đêm, các nhiếp ảnh gia sẽ dùng khẩu độ lớn hơn và tốc độ đóng cửa chớp nhanh hơn để ghi lại được cảnh tên lửa bay nhanh khỏi bệ phóng.

Đồng thời trong một bức ảnh, thậm chí dù trong môi trường ánh sáng ít như Triều Tiên, các ngôi sao cũng không thể nào được chụp lại to và rõ nét như vậy. Tuy nhiên, ông Langbroek cho biết không phải tất cả hình ảnh mà Triều Tiên công bố đều được chỉnh sửa.

Khi được hỏi về phát hiện của ông Langbroek, chuyên gia vũ khí hạt nhân Jeffrey Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu phi hạt nhân hóa James Martin cho biết các hình ảnh này được chỉnh sửa có thể vì tính thẩm mỹ, bởi quả tên lửa Hwasong-15 dường như không được thay thế trong các bức ảnh. Việc cắt một nền sao khác ghép vào ảnh được cho chỉ để làm nổi bật tên lửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm