ASEAN họp bàn chống cúm A/H1N1

Chương trình nghị sự tập trung đánh giá diễn biến dịch cúm A/H1N1, cải thiện các biện pháp chống cúm và thảo luận chiến lược hợp tác chống cúm.

Qua đường truyền video, tiến sĩ Anne Schuchat ở Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ cho biết chưa phát hiện biến thể nào của virus A/H1N1 ở Mexico và Mỹ.

Theo số liệu của WHO, đến nay đã có 1.893 ca nhiễm cúm A/H1N1 ở 23 nước. Số tử vong vẫn là 44 người. Ba Lan và Thụy Điển là hai nước mới nhất công bố có ca nhiễm. Ngày 7-5, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ năm bang của Mỹ, tuy nhiên lại đưa bang Illinois vào danh sách cấm nhập khẩu thịt heo.

Phòng thí nghiệm vi trùng học quốc gia của Canada thông báo lần đầu tiên trên thế giới họ đã xác định được chuỗi gien di truyền từ ba mẫu virus A/H1N1 lấy từ Mexico và Canada. Đây là bước quan trọng tiến tới bào chế vắc-xin chống cúm A/H1N1. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ cũng thông báo đã xác định được đặc điểm di truyền của dòng virus A/H1N1.

Ngày 5-5, Cục Khoa học sức khỏe Singapore đã tổ chức họp báo cảnh báo về thuốc trị cúm A/H1N1 giả đang quảng cáo bán trên mạng. Cơ quan này cho biết chỉ có Tamiflu (oseltamivir) và Relenza (zanamivir) là hai loại thuốc được WHO khuyên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Cục Khoa học sức khỏe Singapore đã lập đường dây nóng (số 6866-3485) và địa chỉ thư điện tử để người dân liên lạc khi phát hiện thuốc cúm giả.

Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cũng đã kêu gọi cảnh giác bọn lừa đảo chuyên bán các sản phẩm test xét nghiệm và tân dược được quảng cáo có thể chẩn đoán, phát hiện và chữa trị cúm A/H1N1. Theo Cục, hiện có ít nhất 20 địa chỉ trang web đang quảng cáo các mặt hàng này.

LÊ LINH - MINH NHỰT (Theo AP, Xinhua, The Nation, My Paper)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm