ASEAN lo bị kéo vào 'Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung'

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch COVID-19 và kêu gọi các nước đặt mình lên hàng đầu. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích Mỹ gián tiếp phá hoại chủ nghĩa đa phương.

Các tranh cãi giữa hai nhà lãnh đạo đã làm gia tăng mối lo ngại của các nước châu Á về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và phức tạp hơn, tờ South China Morning Post đưa tin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NIKKEI

Phản ứng của các nước Đông Nam Á

Sự đối lập giữa tầm nhìn dài hạn của ông Tập về quản trị toàn cầu mà LHQ là trung tâm và việc ông Trump nhấn mạnh các chính sách theo phong cách “Nước Mỹ là trên hết” đã phản ánh sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các cường quốc, làm gia tăng mối lo ngại của các nước châu Á.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi thực hiện một sự cải tổ trong LHQ để giải quyết các rủi ro địa chính trị ngày càng tăng.

Các quốc gia nhỏ hơn đang cố gắng tránh vướng vào cuộc chiến. Tuy nhiên, điều này ngày càng khó thực hiện khi Mỹ cứng rắn chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các quốc gia cảnh giác với Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này.

Người điều hành công ty tư vấn chiến lược ở Singapore Alexander Neill cho biết ngay cả Singapore - quốc gia vốn đang cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Mỹ cũng bắt đầu thể hiện sự lo ngại về cuộc Chiến tranh lạnh mới.

“Nhiều nước Đông Nam Á có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu một hình thức quản trị theo cách của Trung Quốc có phù hợp với quốc gia của họ hay không,” ông nói.

“Đông Nam Á đã phải cân nhắc thật kỹ về việc ai ‘đã giao hàng’ và ai ‘sẽ tiếp tục cung cấp hàng hóa’ trong lĩnh vực an ninh và tiêu dùng trong tương lai gần. Theo tôi, họ thấy rằng Mỹ vẫn là bên có thể đáp ứng điều này”.

Tại LHQ ngày 22-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lặp lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và nhắc đến sự công nhận của Washington đối với phán quyết hồi tháng 7 năm nay.

Ông Aaron Rabena - nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila cho biết nhận xét của ông Duterte cho thấy ông muốn các tuyên bố của Manila được tôn trọng, nhưng đồng thời không muốn căng thẳng giữa các cường quốc biến thành một cuộc chiến tranh.

Giải thích cho lập luận của mình, ông Rebena nói: “Đầu tiên, rủi ro đối với kinh tế do một cuộc Chiến tranh lạnh gây ra ở Đông Nam Á là quá lớn, chưa nói đến việc hầu hết các quốc gia vẫn đang quay cuồng với COVID-19.

“Một lý do khác là Philippines có thể bị mắc kẹt, vì đây là đồng minh hiệp ước quốc phòng của Mỹ và cho phép Mỹ hiện diện quân sự.

“Một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự Mỹ ở Philippines không chỉ được coi là một cuộc chiến trên đất Philippines, mà điều này còn kéo Manila vào chiến tranh”.

Phản ứng của LHQ

Tổng thư ký LHQ António Guterres đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng về “hướng đi rất nguy hiểm” mà thế giới đang hướng tới, đồng thời ví thời điểm này như một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Ông nói: “Thế giới không thể có tương lai nếu hai nền kinh tế lớn nhất tạo ra những chia rẽ toàn cầu vì mỗi nền kinh tế có các quy tắc thương mại và tài chính riêng, cũng như tiềm lực internet và trí tuệ nhân tạo khác nhau”.

“Một sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế rất có nguy cơ trở thành sự chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm