ASEAN phản hồi ‘lời cầu cứu’ của Triều Tiên

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày một leo thang. Mỹ triển khai đội tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên và tuyên bố sẽ đưa ra tất cả biện pháp cần thiết, không loại trừ hành động quân sự để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Bình Nhưỡng cũng không khoan nhượng, từ phóng tên lửa hôm 16-4 tới tập trận pháo binh rầm rộ hôm 25-4. Mới đây nhất, nước này đã gửi thư bày tỏ mong muốn giành được sự ủng hộ của ASEAN.

ASEAN “quan ngại sâu sắc”

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), trong một bức thư Triều Tiên gửi tới tổng thư ký ASEAN đề ngày 23-4, nước này kêu gọi sự ủng hộ của ASEAN dành cho Bình Nhưỡng trong cuộc đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ liên quan tới các cuộc tập trận Mỹ-Hàn và cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện “bên bờ vực chiến tranh” vì các động thái của Washington.

Trong thông cáo phát đi ngày 28-4, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố về lập trường của khối đối với tình hình ở Triều Tiên hiện nay. “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm hai vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 2016 và những lần phóng tên lửa sau đó của nước này” - hãng tin Channel News Asia dẫn lại tuyên bố.

Ngoại trưởng các nước ASEAN hiện có mặt tại Manila (Philippines) để tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30. ASEAN kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ đầy đủ các nhiệm vụ quốc tế của nước này vốn đã được quy định trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế về việc duy trì hòa bình và an ninh. “ASEAN lo ngại sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trong và ngoài khu vực”.

Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế để không gây gia tăng căng thẳng và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình”. Các ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định lập trường ủng hộ của ASEAN đối với việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi nối lại đối thoại nhằm “tháo ngòi căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hòa bình và ổn định”.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: SPUTNIK

Mỹ-Hàn quyết đối phó Triều Tiên

Theo Yonhap, trong thông cáo được đưa ra theo sau kết quả của cuộc họp Đối thoại quốc phòng tích hợp Hàn-Mỹ (KIDD) kéo dài hai ngày ở Washington, D.C. (Mỹ), Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí nghiên cứu “hàng loạt lựa chọn sẵn có, bao gồm triển khai khí tài chiến lược của Mỹ để tăng cường năng lực ngăn chặn của đồng minh và khi cần thiết để phản ứng trước việc dùng tên lửa đạn đạo, vũ khí hủy diệt hàng loạt và hạt nhân của Triều Tiên”.

Các khí tài chiến lược ở đây đề cập tới những vũ khí tiên tiến được triển khai từ các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, Nhật Bản hoặc trên lục địa Mỹ như máy bay ném bom B-2, B-1B và B-52 cũng như các chiến đấu cơ F-35 cùng tàu sân bay. Có gần 28.500 binh sĩ Mỹ hiện đồn trú tại Hàn Quốc.

Hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên như “một công cụ hoàn toàn tự vệ để đối phó Triều Tiên”.

“Lập trường của ASEAN rõ ràng và nhất quán”

Trả lời phỏng vấn tờ Channel News Asia ngày 28-4, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng lập trường của ASEAN về tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là “rất rõ ràng và nhất quán”.

Ông Minh cho biết quan điểm của ASEAN về vấn đề Triều Tiên bao gồm kêu gọi xuống thang căng thẳng, phi hạt nhân hóa và nối lại đàm phán sáu bên.

Các cuộc đàm phán sáu bên với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga đã sụp đổ vào năm 2008 sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa.

_________________________

1 tỉ USD là số tiền mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Seoul phải chi trả cho việc Washington triển khai lá chắn THAAD tới Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm