Bà Merkel cũng không thuyết phục được ông Trump

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27-4 lần thứ hai thăm ông Donald Trump tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ. Đây là lần đầu tiên bà Merkel tiếp xúc với ông Trump sau 5 tháng.

Bà Merkel mang một món quà đến tặng ông Trump, là một bức bản đồ được vẽ từ năm 1705 về vùng Palatinate ở tây Đức - nơi tổ tiên và ông nội ông Trump sống trước khi nhập cư sang Mỹ.

Phần mình, ông Trump đã đón tiếp nồng hậu bà Merkel, gọi bà là “người phụ nữ phi thường”. Bà Merkel đang trong nhiệm kỳ thủ tướng Đức thứ tư liên tiếp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng quà cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm ngày 27-4. Ảnh: DW

Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng quà cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm ngày 27-4. Ảnh: DW

Không như chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vài ngày trước, chuyến thăm Nhà Trắng của bà Merkel chỉ là chuyến thăm làm việc. Điểm giống nhau là, như ông Macron, bà Merkel đến Mỹ với cả sứ mệnh châu Âu trên vai: Thuyết phục ông Trump ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, miễn thuế nhập khẩu nhôm, thép với Liên minh châu Âu (EU), nhượng bộ về chi tiêu quốc phòng trong khối NATO… Và cũng không hơn gì ông Macron, bà Merkel đã chẳng những không thuyết phục được mà còn phải nhượng bộ ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AFP

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận nếu không có thay đổi theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. Ngày 12-5 là thời hạn ông Trump phải quyết định có gia hạn lệnh hoãn trừng phạt Iran theo nội dung thỏa thuận hay không. Nếu không, các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ tự động được khôi phục, đồng nghĩa Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Nếu Mỹ rút, nguy cơ lớn thỏa thuận sẽ đổ vỡ.

Bà Merkel phải thừa nhận thỏa thuận không đủ khả năng kiềm chế tham vọng của Iran ở Trung Đông. Đức, Pháp cũng như nhiều nước châu Âu cũng cho rằng thỏa thuận không hoàn hảo nhưng muốn giữ lại vì có còn hơn không. Các quan chức châu Âu nhiều tháng nay khẩn trương thương lượng với các quan chức Mỹ thay đổi thỏa thuận để vừa hài lòng ông Trump vừa hài lòng Iran nhưng vẫn chưa thành công.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trên đường đến cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trên đường đến cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AP

Về thuế nhập khẩu Mỹ, bà Merkel và ông Trump có trao đổi quan điểm chuyện miễn mức thuế nhập khẩu 25% với nhôm và thép vào Mỹ cho EU nhưng ông Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Mỹ ban hành mức thuế nhập khẩu 25% áp lên nhôm và thép nhập vào Mỹ, nhưng tạm miễn áp dụng cho châu Âu đến hết tháng 4. Nếu ông Trump không gia hạn lệnh miễn, mức thuế này sẽ áp lên châu Âu từ ngày 1-5.

Về thiếu hụt thương mại, ông Trump nói Mỹ muốn có thương mại “công bằng và có qua có lại” với EU chứ không phải thiếu hụt như hiện nay. Bà Merkel nói Đức cũng muốn “thương mại công bằng” phù hợp với các quy định thương mại toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 27-4. Ảnh: AP

Về chi tiêu quốc phòng trong khối NATO, ông Trump vẫn khăng khăng các đồng minh trong khối phải chi 2% GDP trở lên cho quốc phòng. Bà Merkel nhượng bộ khi nói Đức sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2019 và đang trên đường đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

Một động thái cho thấy châu Âu vẫn đang cố đến cùng trong nỗ lực thuyết phục ông Trump dù thời hạn cuối đã gần kề. Thủ tướng Anh Theresa May tuần này đã đánh tiếng mời ông Trump sang thăm Anh, bất kể nguy cơ sẽ xảy ra biểu tình phản đối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm