Bác sĩ Nam Phi báo động về Omicron nói gì về biến thể SARS-CoV-2 mới này?

Ngày 28-11, một bác sĩ Nam Phi là người báo động về sự xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron cho biết vài chục bệnh nhân nhiễm biến thể này đều chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ và đã phục hồi hoàn toàn mà không phải nhập viện.

Bà Angelique Coetzee, một bác sĩ tư và là Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, nói với hãng tin AFP rằng bà đã theo dõi khoảng 30 bệnh nhân COVID-19 trong 10 ngày qua, với những triệu chứng khác biệt.

Bà Angelique Coetzee, một bác sĩ tư và là Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

“Điều khiến họ đi khám là tình trạng cực kỳ mệt mỏi” – bà phát biểu tại Pretoria, thủ đô của Nam Phi và là nơi bà hành nghề.

Bà Coetzee, người cũng là thành viên của Ủy ban Cố vấn Bộ trưởng về Vaccine, cho biết điều này bất thường đối với các bệnh nhân trẻ tuổi. Hầu hết bệnh nhân nam trong số đó chưa đến 40 tuổi. Một nửa trong số họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bà cho biết những bệnh nhân đó bị đau cơ mức độ nhẹ, ngứa cổ họng và ho khan. Vài người trong số họ bị sốt tương đối cao. Những triệu chứng rất nhẹ này không giống triệu chứng do những biến thể khác gây ra.

Bác sĩ Coetzee là người đã cảnh báo giới chức y tế về “bức tranh lâm sàng không phù hợp với biến thể Delta” vào ngày 18-11 vừa qua, khi bà tiếp nhận bảy bệnh nhân đầu tiên ở độ tuổi 30.

Bà cho biết các nhà khoa học Nam Phi đã tìm ra biến thể B.1.1.529 và công bố ngày 25-11. Một ngày sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp B.1.1.529 vào loại “biến thể đáng lo ngại” và đặt tên biến thể này là Omicron.

Thông tin về sự xuất hiện biến thể mới khiến hàng loạt quốc gia cấm bay tới vùng phía nam châu Phi và hối hả tung ra những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của nó, điều mà chính phủ cho là “vội vàng” và “bất công”.

Bà Coetzee cho biết thật không may khi Omicron đã bị thổi phồng là “biến thể virus cực kỳ nguy hiểm này” với nhiều đột biến trong khi mức độ độc hại của nó vẫn chưa được biết đến.

Theo hãng tin Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28-11 cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây lan và gây bệnh nặng cao hơn so với các biến thể khác hay không.

“Theo dữ liệu sơ bộ, tỉ lệ nhập viện vì COVID-19 ở Nam Phi đang ngày càng tăng, song điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh tăng chứ không phải do tác động của biến thể Omicron” – WHO nhận định.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nhấn mạnh rằng bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm so với các biến thể khác.

WHO cho hay tổ chức này đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp phòng chống dịch hiện có, bao gồm vaccine ngừa COVID-19.

Cũng theo WHO, “hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác” và việc xác định được tác động của biến thể này đối với người “sẽ mất vài ngày đến vài tuần”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm