Báo cáo của SIPRI: Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân

Ngày 3-6, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển (SIPRI) đã công bố Niên giám 2013 đánh giá về tình hình an ninh, vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị quốc tế.

Hãng tin AP ghi nhận Niên giám 2013 của SIPRI đã đưa ra thông tin đáng lo ngại. Năm 2013, ba nước châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đã tăng số đầu đạn hạt nhân lên 10 đầu đạn mỗi nước so với năm trước.

Đối với Trung Quốc, báo cáo của SIPRI nhận định đây là một phần của chương trình hiện đại hóa quốc phòng và Trung Quốc không minh bạch về kho vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia Pillip Schell thuộc Chương trình kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của SIPRI nhận định trong thời gian dài hạn, Trung Quốc có thể tiếp tục gia tăng dần số đầu đạn hạt nhân và sẽ cải thiện chất lượng các đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo của SIPRI: Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân ảnh 1

Ngày 10-4, Pakistan bắn thử thành công tên lửa Hatf IV có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tầm bắn 900 km). Ảnh: INT

Theo SIPRI, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á rất đáng lo ngại vì hòa bình ở châu Á rất mong manh trước căng thẳng hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Nhật và hai miền Triều Tiên.

SIPRI nhận định trong năm qua, căn cứ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược song phương, chỉ có Nga và Mỹ cắt giảm số đầu đạn hạt nhân với số lượng cắt giảm lần lượt là 1.500 và 300 đầu đạn.

Ngày 2-6 tại Seoul (Hàn Quốc), các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã tham dự vòng đàm phán thứ bảy về sửa đổi hiệp định năng lượng hạt nhân dân sự song phương. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Hàn Quốc muốn thuyết phục Mỹ cho phép Hàn Quốc sử dụng công nghệ làm giàu uranium và tái xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để dùng cho năng lượng hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Mỹ lo ngại từ đó phát sinh plutonium (có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân).

Tuy nhiên, năm 2013, các nước Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh đều đã lắp đặt thêm đầu đạn hạt nhân mới hoặc thông báo về chương trình triển khai lắp đặt đầu đạn hạt nhân mới. Do đó, cho dù tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu có giảm nhưng SIPRI đánh giá mối đe dọa hạt nhân vẫn không giảm.

SIPRI cho rằng có ít hy vọng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Các chương trình hiện đại hóa quốc phòng ở các nước này cho thấy vũ khí hạt nhân vẫn là dấu ấn thể hiện quyền lực và địa vị quốc tế.

Đánh giá về nỗ lực giảm vũ khí hóa học và sinh học, SIPRI ghi nhận tiến độ vẫn còn chậm. Mỹ và Nga không hủy bỏ tất cả vũ khí hóa học trong năm 2012 như đã cam kết. Syria tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học trong trường hợp bị nước ngoài tấn công.

Theo SIPRI, nỗ lực kiểm soát bom đạn chùm (bom bi) bị ngưng trệ trong năm 2012 do các nước ủng hộ Công ước Chống bom đạn chùm của LHQ không thuyết phục được thêm các nước mới ký kết Công ước. Đến nay các nước sản xuất nhiều bom đạn chùm như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Israel, Ai Cập vẫn chưa ký kết hoặc chưa phê chuẩn Công ước.

Báo cáo của SIPRI: Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân ảnh 2

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm