Bạo loạn ở Lybia, 800 người thiệt mạng

Đây là thông tin do một trong các thành viên của tòa án hình sự quốc tế ở Hague (Hà Lan) tiết lộ trên kênh truyền hình Al-Arabia.

Bạo loạn ở Lybia, 800 người thiệt mạng ảnh 1

Trong khi đó, tổ chức Human Rights Watch lấy thông tin từ hai bệnh viện trung tâm ở thủ đô của Lybia cho biết, từ ngày 20/2/2011 đã có ít nhất 62 người thiệt mạng do đụng độ.

Cũng trong ngày này, kênh truyền hình Al-Arabia trích nguồn tin từ tòa án hình sự quốc tế cho biết, tổng số nạn nhân thiệt mạng do bạo loạn đã lên tới 600 người trong khi ngày 21/2/2011 Human Rights Watch đánh giá con số này chỉ vào khoảng 360 người.

Biểu tình và bạo loạn ở Lybia đã chính thức bắt đầu từ ngày 15/2/2011. Ngay từ những ngày biểu tình đầu tiên chính quyền đã rất mạnh tay với những người biểu tình chống đối với hy vọng sẽ sớm chấm dứt tình trạng biểu tình, ổn định an ninh và trật tự trị an.

Tuy nhiên, tình hình ở Lybia hiện nay không những không thấy có dấu hiệu cải thiện mà thậm chí còn ngày một nghiêm trọng thêm, số người chết do dẫm đạp lên nhau, do chống đối với lực lượng an ninh của Lybia ngày càng nhiều, thiệt hại cho nền kinh tế đất nước ngày càng nặng nề.

Trong khi người dân biểu tình đòi Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi, người đã nắm quyền ở Lybia từ năm 1969 đến này từ chức thì ngay trong chính quyền của nước này cũng đang lục đục. Nhiều quan chức ngoại giao, đặc biệt là các đại diện của Lybia ở Liên Hợp Quốc đều lên tiếng cáo buộc Tổng thống Gaddafi tội diệt chủng.

Đứng trước tình hình bất ổn đang ngày càng gia tăng và lan rộng, trong thời gian tới Tổng thống Gaddafi sẽ có bài phát biểu tuyên bố tiến hành cải cách rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các chính sách an sinh xã hội như một trong những biện pháp để trấn an lòng dân.

Nhiều chuyên gia đang tỏ ra lo ngại rằng, hiệu ứng Domino đang lan tỏa rộng khắp. Từ cách mạng hoa nhài ở Tuy-ni-zi cho tới cách mạng lật đổ chính quyền Ai Cập và nay là Lybia. Không loại trừ khả năng trong tương lai gần, tình trạng biểu tình của dân chúng sẽ tiếp tục nổ ra và phát triển rộng rãi ở một số quốc gia khác, đặc biệt là những nước ít quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội.

Theo Hữu Kỷ - Nhật Minh (VTC News/Lenta)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm