Báo Trung Quốc vạch nguyên nhân sản sinh thực phẩm bẩn

Một số nơi còn sử dụng ly giấy có chất huỳnh quang (thuốc làm tăng độ trắng có thể gây ung thư) vì giá rẻ hơn. Ngay cả một số ly giấy có in số giấy phép sản xuất cũng có huỳnh quang.

Năm ngoái, Trung Quốc đã kiểm tra 35,52 triệu cơ sở kinh doanh về nông sản, thực phẩm và các sản phẩm liên quan, qua đó phát hiện hơn 130.000 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), bắt giữ 248 người, hủy giấy phép kinh doanh của hơn 100.000 cơ sở. Dù vậy, các vụ bê bối về ATTP như thịt bò giả, sữa bột độc, dầu ăn bẩn, bánh bao nhuộm vẫn liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân vì sao?

Theo Giáo sư Mã Quảng Hải ở ĐH Sơn Đông, nguyên nhân đầu tiên do nhiều cơ quan quản lý về ATTP chỉ điều tra khi thấy nguy cơ bị lộ sự cố mất ATTP. Ngồi văn phòng kiểm tra mẫu sản phẩm đã trở thành thói quen. Thậm chí trong một số cơ quan quản lý có vấn đề tham nhũng.

Thường 20% tiền phạt được nộp về trên còn địa phương giữ lại 80%. Vì vậy, nhân viên Phòng Giám sát chất lượng sản phẩm cấp huyện tại tỉnh Sơn Đông thay vì phạt 100.000 nhân dân tệ (317 triệu đồng VN) thì chỉ phạt 10.000 nhân dân tệ (31,7 triệu đồng VN). Doanh nghiệp vi phạm sẽ lót tay một phần tiền phạt còn lại. Từ quan hệ lợi ích tiền-quyền phát sinh tham nhũng.

Thực phẩm xuất khẩu Trung Quốc luôn đạt chuẩn 99,8% trong khi thực phẩm tiêu dùng nội địa chỉ khoảng 90%, từ đó nảy ra “hàng loại một xuất khẩu, hàng loại hai tiêu thụ nội địa”. Chưa kể một số chỉ tiêu ATTP của Trung Quốc thấp hơn các nước phát triển.

Đầu tháng 4, Viện Nghiên cứu Karolinska của Thụy Điển công bố báo cáo cho thấy một số thực phẩm nổi tiếng dành cho trẻ sơ sinh như bột gạo sản xuất tại Trung Quốc có kim loại nặng như thạch tín, cadmium, chì, uranium. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn Trung Quốc thì các sản phẩm này đạt yêu cầu.

Năm ngoái, sản phẩm gà McNuggets của Công ty McDonald’s Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị phát hiện có hóa chất polydimethylsiloxane (chất chống tạo bọt dùng trong công nghiệp chất dẻo) và tertiary butylhydroquinone (chất kết tinh có thể làm giảm hàm lượng dinh dưỡng). Công ty phản hồi cho biết hàm lượng hai hóa chất nêu trên đều đúng tiêu chuẩn ATTP Trung Quốc.

Nói chung ở Trung Quốc, cơ quan kiểm tra ATTP đều đi sau báo chí. Ví dụ như vụ sữa bột của Tập đoàn Tam Lộc nhiễm melamine năm 2008 hay vụ rượu vang giả tại huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc năm 2010. Khi giới truyền thông vào cuộc, chính quyền địa phương mới nhanh chóng điều tra…

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã, NDNB)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm