Bắt giữ một cựu sinh viên Mỹ làm gián điệp cho nước ngoài

Một cuộc kiểm tra những người xin gia nhập CIA của nhân viên phản gián và an ninh đã dẫn đến việc phát hiện Glenn Duffie Shriver, 28 tuổi, sống ở Detroit, bang Michigan, có quan hệ mật thiết với những nhân viên tình báo Trung Quốc.

Theo thông tin điều tra có được, Glenn Shriver được tình báo Trung Quốc trả ít nhất 70.000 USD để anh ta chấp nhận làm nội ứng CIA. Paula Weiss, người phát ngôn của CIA, từ chối cung cấp những thông tin chi tiết về việc Shriver đã bị phát hiện như thế nào sau khi cố gắng gia nhập Tiểu ban Bí mật quốc gia (NCS) của CIA.

Glenn Shriver không phải là người đầu tiên muốn gia nhập CIA để làm gián điệp cho Trung Quốc. Theo các nguồn của tình báo Mỹ, Giám đốc CIA lúc đó là Gerorge J. Tenet nhận được báo cáo vào năm 1999 rằng  có ít nhất 3 sĩ quan CIA bị phát hiện làm gián điệp cho Trung Quốc, nhưng số người này chưa hề bị bắt giữ. Một người trong số đó được Bắc Kinh trả 60.000 USD cho công việc đánh cắp thông tin mật của CIA.

Bắt giữ một cựu sinh viên Mỹ làm gián điệp cho nước ngoài ảnh 1

Glenn Duffie Shriver

Chuyên gia dịch thuật gốc Trung Quốc của CIA Larry Wu Tai Chin bị bắt giữ năm 1985 và bị buộc tội làm gián điệp Trung Quốc trong thời gian dài. Sau đó Tai Chin đã tự sát trong nhà tù tạm giam trước khi bản án được tuyên.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, CIA vẫn bị phê phán rằng khả năng phản gián tỏ ra yếu kém. Đơn cử trường hợp điệp viên nội gián Aldridge Ames là sĩ quan phản gián của CIA nhưng cung cấp cho Moskva danh tính tất cả những điệp viên được CIA tuyển mộ. Aldridge Ames bị bắt giữ năm 1993 và sau đó thụ án tù chung thân. CIA cũng bị thiệt hại nghiêm trọng trong vụ đặc vụ FBI Robert P. Hanssen làm gián điệp cho Moskva trong suốt nhiều năm cho đến khi bị bắt giữ vào năm 2001.

Vụ án Glenn Shriver xảy ra trong bối cảnh những căng thẳng chính trị và kinh tế đang tăng cao giữa Washington và Bắc Kinh về vài vấn đề - như là, những yêu cầu về vũ khí Mỹ của Đài Loan, về tiền tệ của Trung Quốc, sự thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Bắc Kinh, vấn đề xuất khẩu khoáng sản hiếm của Trung Quốc v.v...  Trong khi đó, người phát ngôn của Tòa đại sứ Trung Quốc nói vụ án Glenn Shriver căn cứ vào "những lý lẽ hư cấu" nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

Bởi vì Trung Quốc "không bao giờ có những hoạt động gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của các nước khác và Trung Quốc rất chân thành phát triển quan hệ có lợi cho đôi bên giữa Trung Quốc và Mỹ".

Theo diễn biến sự việc được nói công khai trước tòa án hôm 23/10/2010, Glenn Shriver quay trở lại Trung Quốc năm 2004 sau thời gian là du học sinh ở thành phố Thượng Hải.

Trong tháng 10/2004, Shriver được một phụ nữ tên là Amanda sắp xếp để gặp hai sĩ quan tình báo Trung Quốc được hồ sơ tòa án Mỹ xác định tên là "Wu" và "Tang". Tiếp theo, hai người này thuyết phục Shriver tìm cách gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA hay các cơ quan hành pháp của Mỹ. Một người nói: "Nếu có thể, chúng tôi muốn anh trao cho chúng tôi vài bí mật hay thông tin mật".

Sau hai lần thất bại trong kỳ thi tuyển dành cho nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Shriver vẫn được tình báo Trung Quốc trả cho 30.000 USD, và năm 2007 sau khi xin gia nhập Tiểu ban Bí mật quốc gia của CIA, anh ta tiếp tục được trả thêm 40.000 USD. Vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Glenn Shriver tiếp tục tìm kiếm một việc làm ở CIA.

Theo hồ sơ tòa án, Glenn Shriver đã có 20 cuộc gặp mặt với các sĩ quan tình báo Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2007.

Ông deGraffenreid, một cựu quan chức trong Hội đồng An ninh quốc gia nói, tình báo Trung Quốc cố gắng biến Shriver thành một gián điệp "lâu dài" giống như Larry Chin - người gia nhập CIA vào cuối thập niên 40 và làm gián điệp cho đến khi bị phát hiện năm 1985.

Trung Quốc cũng chứng tỏ kỹ năng tình báo của họ trong vụ án Katrina Leung - một nguồn thông tin của FBI ở Los Angeles làm gián điệp cho Trung Quốc và rất thân thiết với hai đặc vụ phản gián cao cấp của FBI. Hiện thời FBI vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án gián điệp Glenn Shriver.

D.S. tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm