Bầu cử Mỹ tác động gì đến Đông Nam Á?

Quan điểm đối ngoại của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump khác xa nhau chẳng khác gì quan điểm đối nội.

Clinton: Tiếp tục xoay trục châu Á

Với tư cách nhà kiến trúc then chốt cho chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama, bà Hillary Clinton đánh giá khu vực này mang lại lợi ích chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Bà đã từng đi thăm đầy đủ 10 nước ASEAN trong các chuyến công du ngoại giao trong thời gian giữ chức ngoại trưởng.

Bà đã khen ngợi châu Á là “yếu tố then chốt trong các chính sách toàn cầu” trong bài viết với tựa đề “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” đăng trên tạp chí Foreign Policy năm 2011.

Bài viết khẳng định: “Bởi châu Á là then chốt cho tương lai của Mỹ, một nước Mỹ giữ đúng cam kết là sức sống cho tương lai châu Á”.

Chuyên gia Harry Sa ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đánh giá: “Với bà Hillary Clinton, dĩ nhiên chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều khả năng tiếp nối các chính sách khởi xướng dưới thời Tổng thống Obama. Tôi có thể tưởng tượng nhiều nước châu Á sẽ sung sướng vì điều đó”.

Ông ghi nhận nhiều nước châu Á đánh giá sự hiện diện quân sự của Mỹ có ích cho ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bà Clinton lại bất đồng với ông Obama nhiều vấn đề, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm 2012, bà đánh giá TPP là “tiêu chuẩn vàng” cho các thỏa thuận thương mại. Đến vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà lại thay đổi ý kiến.

Biếm họa của R.J. Matson (báo Roll Call ở Washington, D.C.).

Biển Đông sẽ căng thẳng hơn

Hồi tháng 4, báo New York Times đã đăng bài viết có tựa đề “Hillary Clinton trở thành diều hâu như thế nào”.

Bài viết nêu chi tiết quan hệ của bà với các chỉ huy cao cấp quân đội và nhiều lần bà chủ trương sử dụng vũ lực vào lúc những người khác dè dặt hơn như lúc bỏ phiếu về quyết định đưa quân sang Iraq năm 2002 hay kêu gọi can thiệp quân sự vào nội chiến Syria.

Tác giả bài viết Mark Landler mô tả chính sách đối ngoại của bà Clinton là “dựa trên chủ nghĩa hiện thực lạnh lùng về bản chất con người”. Bài viết khẳng định: “Hillary Clinton là diều hâu cánh tả cuối cùng trong cuộc chạy đua ghế tổng thống”.

Tạp chí Southeast Asia Globe nhận định một tổng thống Mỹ hiếu chiến có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã nhạy cảm ở biển Đông, nơi cuộc giằng co địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.

Tại hội nghị cấp cao về an ninh ở Hà Nội năm 2010, Bắc Kinh lưu ý bà Clinton đã phát biểu nhấn mạnh cửa ngõ mở ra biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ và trục xoay cho an ninh khu vực.

Chuyên gia Harry Sa nhận xét: “Nếu bà Clinton không chọn cách làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, có thể xảy ra kịch bản các nước có quyền chọn phe tùy ý”.

Trump: Nước Mỹ trên hết

Trong khi đó, ông Donald Trump đã hết sức gây ấn tượng với các phát biểu không kiêng dè. Nhiều người khẳng định Trump có tư tưởng bài ngoại khi ông đề nghị xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico và cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.

GS Jamie Gillen ở ĐH Quốc gia Singapore đánh giá nhiều nước Đông Nam Á lo ngại thái độ ứng xử thất thường của Trump.

Ông ghi nhận chính chính phủ các nước Đông Nam Á cũng không thể dự kiến được điều gì sẽ xảy ra ở Mỹ.

Nhiều nhà phân tích chê bai ông Trump thiếu chính sách đối ngoại cô đọng. Trump lại không nghĩ như thế mà cho rằng chính sách đối ngoại của ông rất đơn giản, đó là “nước Mỹ trên hết”.

Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại hồi tháng 4, ông từng nói: “Nước Mỹ trên hết là chủ đề chính trong chính sách của tôi. Trong khuôn khổ chính quyền của Trump, sẽ không có bất kỳ công dân Mỹ nào cảm thấy các nhu cầu thiết yếu của họ đứng vị trí thứ hai sau các công dân nước ngoài”.

Trump tỏ thái độ hoài nghi về các định chế quốc tế khi nói nước Anh có thể sẽ tốt hơn nếu không có EU.

Ông chỉ trích các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vì ông cho rằng việc làm thì xuất khẩu trong khi đúng ra phải thuê lao động Mỹ.

Quân Mỹ ở châu Á sẽ rút đi

Một số chuyên gia nhận định quan điểm cô lập của Trump có thể dẫn đến tình hình các đơn vị Mỹ đồn trú tại Đông Nam Á sẽ nhanh chóng rút về nước.

Cho dù Trump chưa bình luận trực tiếp đến khu vực Đông Nam Á, GS Jamie Gillen ghi nhận Trump có thể đánh giá khu vực Đông Nam Á không xứng đáng cho Mỹ chú ý đến, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.

Chuyên gia Harry Sa bình luận: “Tôi không nghĩ rằng bản thân Donald Trump biết có châu Á”.

Trong các buổi trả lời phỏng vấn và tranh luận, Trump khăng khăng cho rằng “không dự đoán được” là nguyên tắc trong chính sách quân sự của Trump.

GS Sophal Ear ở Trường CĐ Occidental tại Los Angeles đánh giá các nước Đông Nam Á đã nhìn thấy đối tác quân sự Mỹ dưới trào của Trump sẽ suy giảm.

Ông nhận xét: “Các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ sẽ buông tay nếu Trump quyết định họ không xứng đáng để Mỹ hỗ trợ”.

 

Một báo cáo của các nhà phân tích ở Công ty môi giới chứng khoán Nomura (Nhật) nhận định nếu ông Donald Trump làm tổng thống, chắc chắn GDP của châu Á sẽ bị thiệt hại và cuối cùng có thể bùng nổ lạm phát do giá cả gia tăng.

Đặc biệt đối với Philippines, nếu Mỹ siết chặt chính sách nhập cư vào Mỹ, số lao động nhập cư Philippines sẽ giảm đi trong khi Mỹ đang tiếp nhận 34,5% số dân Philippines hải ngoại và kiều hối của dân Philippines gửi về chiếm 31% tổng số kiều hối của lao động nhập cư Mỹ. Theo Ngân hàng Trung ương Philippines, kiều hối tăng lên 25,76 tỉ USD trong năm 2015, tức chiếm 9,8% GDP của Philippines.

__________________________________

Ở Đông Nam Á, không liên kết là luật chơi. ASEAN khăng khăng đứng ngoài chính sách nước lớn và muốn ổn định, hòa bình để các nước có thể tiếp tục phát triển và công nghiệp hóa.

Chuyên gia HARRY SA (Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore)

Với chính sách nước Mỹ trên hết của Trump, các mối quan hệ ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ giảm bớt nếu không muốn nói là biến mất hoàn toàn.

GS NICK BISLEY (ĐH La Trobe, Úc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm