Belarus sẽ trở thành chiến trường mới của Nga và NATO?

Hãng tin Reuters ngày 17-8 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang “theo dõi sát sao” tình hình biểu tình bất ổn ở Belarus, đồng thời nhận xét những gì đang xảy ra ở nước này hiện nay là “rất khủng khiếp và tồi tệ”.

Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng lên tiếng rằng chính quyền Belarus không thể làm ngơ trước yêu cầu cải cách dân chủ của người dân. Quan chức này cũng cảnh báo Nga nên tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của người dân Belarus, không được đưa lực lượng can thiệp.

Các phát ngôn nói trên được đưa ra trong bối cảnh Belarus chìm trong làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày 9-8 khi Tổng thống Alexander Lukashenko giành chiến thắng áp đảo với 80,1% tổng phiếu bầu. Phe đối lập cáo buộc ông Lukashenko gian lận, yêu cầu tổ chức bầu lại. Đến ngày 15-8, nhà lãnh đạo này khẳng định vừa được người đồng cấp Nga Vladimir Putin cam kết hỗ trợ toàn diện, giúp Belarus đảm bảo an ninh trong trường hợp cần thiết.

Vị thế quan trọng của Belarus

Là quốc gia nằm giữa Nga và ba nước thuộc khối NATO (Latvia, Litva và Ba Lan), Belarus từ lâu được xem là vùng đệm chiến lược giữa Moscow và phương Tây, do đó bị nhiều bên dòm ngó để tìm cách gây ảnh hưởng. Đơn cử, cổng thông tin chính thức của Ủy ban châu Âu (EU) cho hay Nga hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Belarus với giá trị xuất nhập khẩu đạt 49,2% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. Moscow đồng thời đang nỗ lực đàm phán để đặt một căn cứ không quân ở Belarus nhằm phản ứng trước việc NATO liên tục mở rộng hiện diện ở Đông Âu.

Trong khi đó, NATO từ đầu năm đã tiến hành đối thoại tích cực với giới chức Minsk về khả năng Belarus tham gia tập trận chung với khối này và khả năng cao là Minsk đã đồng ý dù chưa có xác nhận chính thức, đài BBC cho hay.

Theo hãng tin AFP, NATO cũng đang theo dõi tình hình ở Belarus, nhiều khả năng là do lo ngại cam kết của ông Putin với ông Lukashenko. Nhà lãnh đạo Belarus ngày 16-8 cáo buộc NATO đã điều nhiều máy bay và xe tăng đến khu vực chỉ cách biên giới nước này 15 phút di chuyển. Tuy nhiên, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu khẳng định tổ chức này không triển khai quân chống lại Belarus.

“Sự hiện diện đa quốc gia của NATO ở Đông Âu không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Nó chỉ mang  tính tự vệ và nhằm mục đích ngăn chặn xung đột, giữ gìn hòa bình” - bà Lungescu nói.

Binh sĩ Belarus và Nga tham gia tập trận chung ở khu vực phía tây Nga vào tháng 9-2017. Ảnh: AP

Nguy cơ Nga, NATO đụng độ ở Belarus

Trang tin quân sự Nga Avia-pro cho rằng trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa lực lượng Nga và NATO ở Belarus, rất có thể cuộc chiến này sẽ kết thúc chớp nhoáng chỉ trong vài ngày, thậm chí vài giờ, do Moscow từ lâu đã luôn trù bị khả năng kịch bản này thành hiện thực.

“Giữa Minsk và Moscow đã ký nhiều thỏa thuận phòng thủ chung cho phép Nga phản ứng bằng vũ lực nếu Belarus bị liên minh quân sự bất kỳ tấn công. Do đó, Nga chắc chắn sẽ ngay lập tức tấn công các lực lượng NATO và hàng ngàn binh sĩ đối phương sẽ bị tiêu diệt chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ. Nga thậm chí có thể tiến hành tấn công ngay từ lãnh thổ của mình” - Avia-pro nhận xét, đồng thời cảnh báo NATO không nên xem thường quan hệ giữa Belarus và Nga khi hai nước từng là hai cựu thành viên của Liên Xô.

Hiện Belarus trong tình thế giằng co, phải chọn giữa phương Tây và Nga. Phần mình, cả Nga và phương Tây phải rất thận trọng trong quan hệ với Minsk, bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể đảo lộn hoàn toàn trật tự toàn châu Âu.

GS ELLIS MITCHELL, ĐH King’s College (Anh) 

Trong khi đó, tờ The Hill đã so sánh một cuộc đổ quân của Nga vào NATO giống một “con dao đặt ngay yết hầu” của khối này. Cụ thể, do vị thế chiến lược, Belarus vô tình chặn luôn một đầu của con đường NATO đi xuống vùng Baltic, cô lập các thành viên NATO ở đây là Litva, Latvia và Estonia. Khi xung đột xảy ra, quân đội Nga từ vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad gần đó và từ Belarus sẽ tràn xuống tấn công các nước này mà NATO không có cách nào gửi quân tăng viện. Trường hợp Minsk lợi dụng tình thế hiện tại và cho phép Nga đặt căn cứ không quân trên lãnh thổ Belarus thì NATO coi như để mất vùng Baltic vào quỹ đạo của Moscow.

“Ông Putin hiện chưa có động thái điều lực lượng chính quy tới Belarus và thậm chí có thể không làm điều này vì lo ngại nổ ra chiến tranh với NATO, bất chấp kết quả thế nào của cuộc khủng hoảng ở Belarus. Tuy nhiên, nếu Nga quyết điều quân tới Belarus, NATO không có bất cứ giải pháp nào để ngăn cản” - The Hill bình luận.

Trước viễn cảnh ảm đạm trên, tờ báo này đề xuất Mỹ và các đối tác NATO nên chuẩn bị nhanh chóng các biện pháp đối phó như dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế nếu Nga đưa quân vào Belarus và sẽ tăng mức độ cấm vận nếu Moscow thiết lập căn cứ quân sự tại đây.

“Kinh tế Nga đang tổn thất nặng nề do các lệnh trừng phạt kéo dài và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên khó có thể chịu thêm cấm vận mới. Nguy cơ gia tăng áp lực kinh tế sẽ đủ để ngăn ông Putin đi quá xa và quá nhanh ở Belarus” - The Hill nêu rõ.

Ông Lukashenko xuống nước, đề nghị chia sẻ quyền lực

Trước viễn cảnh biểu tình có thể còn tăng mạnh trong nhiều tuần tới, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 17-8 đã tuyên bố sẵn sàng chia sẻ quyền lực và tiến hành các bước để thay đổi nội dung hiến pháp nhằm phân bổ lại quyền lực của mình, theo hãng tin Reuters.

Dù vậy, ông cũng khẳng định sẽ không tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới: “Chúng ta đã bầu rồi. Trừ khi các vị giết tôi, sẽ không có cuộc bầu cử nào khác”.

Nhiều khả năng người sẽ điều hành đất nước cùng ông là lãnh đạo phe đối lập - bà Sviatlana Tsikhanouskaya. Bà từng cho biết rất sẵn lòng ngồi vào vị trí lãnh đạo.

Reuters cũng cho biết đến nay ông Alexander Lukashenko đã làm tổng thống Belarus sáu nhiệm kỳ, kể từ khi đắc cử lần đầu tiên vào tháng 7-1994. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm