Biển Đông: Quan chức Malaysia đề xuất ASEAN về luật hàng hải

Trang tin The Malaysian Reserve dẫn lời ông Hazrine Mohd Taib - quan chức cấp cao của Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) - ngày 17-3 kêu gọi Malaysia và các nước ASEAN cần đánh giá lại luật hàng hải của mình nhằm duy trì sự ổn định và an ninh ở Biển Đông sau khi Trung Quốc ban hành luật hải cảnh mới.

"Các nước ASEAN cần đánh giá lại luật hàng hải của mình"

Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do cơ quan nghiên cứu Projek Pertiwi và Trường Cao đẳng Phòng thủ Lực lượng Vũ trang Malaysia tổ chức hôm 17-3, ông Hazrine cho biết luật hải cảnh mới của Trung Quốc “cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài, phá hủy các cấu trúc hoặc thực thể, cũng như tiến hành mọi biện pháp cần thiết bao gồm cả sử dụng vũ khí tại vùng biển Bắc Kinh yêu sách chủ quyền”.

Ông Hazrine Mohd Taib. Ảnh: THE MALAYSIAN RESERVE

Tôi cho rằng, từ quan điểm của Malaysia và có thể đối với các quốc gia có liên quan tranh chấp khác, cần phải xem xét lại luật hiện hành và các quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) khi hoạt động trong vùng biển nơi lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể hiện diện” - ông Hazrine cho biết.

Ông Hazrine nhấn mạnh: “Như chúng ta đã biết, Biển Đông có thể trở thành một điểm nóng tiềm tàng. Do đó, để xử lý các tình huống như vậy, các luật mới và SOP, đặc biệt là đối với tàu của RMN và lực lượng tuần duyên của chúng tôi, cần được đánh giá lại nhằm giảm thiểu rủi ro và duy trì hiện trạng tại khu vực”.

The Malaysian Reserve cũng dẫn lời ông Collin Koh - nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) - nhận định cách duy nhất để các nước ASEAN đưa tiếng nói của mình trở lại chương trình nghị sự an ninh về vấn đề Biển Đông là thúc đẩy một động lực lớn hơn với ý kiến tập thể và tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

“Nếu không, chúng ta sẽ để Trung Quốc và Mỹ tiếp tục chi phối tình hình” - ông Koh nhấn mạnh.

Theo ông Koh, Trung Quốc và Mỹ là hai nhân tố lớn nhất trong quá trình quân sự hóa tại khu vực Biển Đông. Điều này càng được thấy rõ trong thời gian gần đây khi hai bên đưa ra hàng loạt các động thái cùng phản ứng đối phó.

Thật không may, ông cho biết tiếng nói của các nước ASEAN đã bị hạn chế.

Ông Koh cho biết đại dịch COVID-19 tạo cơ hội tốt cho các lực lượng các nước tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm hải quân, lực lượng tuần duyên hoặc các cơ quan hàng hải khác, xem xét cách có thể tối đa hóa nguồn lực hiện có trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng về tài khóa.

Ông cho rằng các lực lượng trên của các nước ASEAN cần hợp tác và phối hợp hành động với nhau và với các đối tác trên đất liền để đảm bảo an ninh hàng hải hiệu quả hơn trong tương lai.

"ASEAN cần có luật riêng để đấu tranh với Trung Quốc tại Biển Đông"

Trang tin Free Malaysia Today ngày 16-3 dẫn lời ông Koh cho rằng các nước ASEAN cần đưa ra luật của riêng mình để cân bằng “sức mạnh hàng hải” trước lo ngại về việc Trung Quốc chiếm giữ Biển Đông.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến có chủ đề “Diễn đàn Quốc phòng và An ninh trên Biển Sulu và Biển Đông”, ông Koh cho biết: “Điều này sẽ cho phép các nước ASEAN phản ứng trong bất kỳ tình huống hàng hải nào với Trung Quốc”.

Theo ông Koh, các nước ASEAN có thể đưa ra luật cảnh sát biển của riêng mình nhằm phản ứng trực tiếp với luật hải cảnh mới của Bắc Kinh.

Cũng tại hội thảo, bà Natalie Sambhi - người sáng lập và giám đốc điều hành của Verve Research - cho rằng không phải tất cả các nước ASEAN đều sẽ đồng thuận với đề xuất trên.

“Nhưng chúng ta có thể cùng ngồi xuống và đây thực sự có thể là cách tiếp cận của chúng ta về vấn đề hợp tác bảo vệ bờ biển và hợp tác hàng hải. Chúng ta có thể đối thoại với Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam để so sánh và tìm ra đâu là thế mạnh, đâu là bài học kinh nghiệm cho đến nay” - bà Sambhi nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm