Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối lập Tam Sa

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc họp báo ngày 24-7 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã bày tỏ lo ngại về động thái thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nội dung phỏng vấn như sau:

. Phóng viên: Bà có ý kiến gì về việc Trung Quốc thành lập một dạng thành phố giả tạo ở phía nam của tỉnh Hải Nam mà nhiều người cho rằng nó được lập ra nhằm gây thêm gia tăng căng thẳng cho các tranh chấp biển hiện tại (ở biển Đông).

+Bà Victoria Nuland: Chúng tôi có nắm thông tin về các sự kiện gần đây ở biển Đông. Chúng tôi tiếp tục quan ngại rằng nếu như có bất kỳ hành động đơn phương như vậy… Chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại và tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các bên tranh chấp chủ quyền...

Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối lập Tam Sa ảnh 1

Đảo Phú Lâm đang bị Trung Quốc chiếm đóng, nơi Trung Quốc ngang nhiên đặt cơ quan hành chính của cái gọi là TP Tam Sa. Ảnh: THX

. Vậy đó là sự kiện (lập TP Tam Sa) xấu?

+ Nếu sự việc tiến triển, đó sẽ là điều rất đáng lo ngại.

Liên quan đến sự kiện Trung Quốc lập cơ quan chỉ huy quân sự ở TP Tam Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa, báo Inquirer (Philippines) ngày 25-7 dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo quyết định triển khai quân đội của Trung Quốc tới các đảo tại biển Đông là hành động khiêu khích không cần thiết.

Ông khẳng định dựa trên luật pháp quốc tế, tuyên bố của Trung Quốc như trên là vô căn cứ.

Ông cho rằng hành động bổ nhiệm các nhà lập pháp cai trị vùng biển tranh chấp của Trung Quốc chỉ làm tăng thêm lý do tại sao nhiều nước châu Á ngày càng lo ngại sự bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh và khả năng Trung Quốc sử dụng biện pháp đe dọa và cưỡng chế nhằm khẳng định chủ quyền tại biển Đông.

Ông kêu gọi các bên liên quan tại biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình và đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì nguyên tắc tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.

Tạp chí Time (Mỹ) ngày 24-7 (giờ địa phương) đã đăng bài viết của TS Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) với nhan đề “TP mới của Trung Quốc làm tăng đe dọa xung đột ở biển Đông”. Tác giả nhận định động thái thành lập cơ quan chỉ huy quân sự Tam Sa là dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc gia tăng sử dụng quyền lực cứng để tranh giành chủ quyền ở biển Đông.

TS Ian Storey ghi nhận dấu hiệu này đã thể hiện ngày 11-7 khi tàu hộ vệ tên lửa 560 của hải quân Trung Quốc mắc cạn ở bãi Trăng Khuyết. Ông lưu ý: Chỉ trong 24 tiếng đã có năm tàu hải quân Trung Quốc có mặt ở bãi Trăng Khuyết (ở khá xa Trung Quốc) để tham gia giải cứu tàu mắc cạn, như vậy rõ ràng các tàu giải cứu đang tuần tra hoặc neo đậu gần khu vực bãi Trăng Khuyết.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Time (Mỹ) ngày 24-7, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế ở Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) Rory Medcalf nhận định mục tiêu khơi dậy tình cảm dân tộc của người dân Trung Quốc qua sự kiện thành lập TP Tam Sa và cơ quan chỉ huy quân sự ở Tam Sa là điều đáng tiếc vì điều này chỉ làm cho việc đàm phán thỏa hiệp ở biển Đông ngày càng khó khăn hơn.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm