Bốn kịch bản cho khủng hoảng Venezuela

Tổng thống Maduro, người hai tuần trước đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau cuộc bầu cử gây tranh cãi, được cho là có không nhiều sự ủng hộ của công chúng nhưng vẫn “khiển” được quân đội. Trái lại, Chủ tịch Quốc hội Guaidó, người đã tuyên bố mình là tổng thống lâm thời tuần qua, có sự hậu thuẫn của một loạt nước phương Tây nhưng hầu như không thể kiểm soát các đòn bẩy quyền lực tại Venezuela. Trong diễn biến mới nhất, tòa án Venezuela đã ra lệnh cấm ông Guaidó và phong tỏa các tài khoản ngân hàng của ông này.

Vì vậy, những kết quả có thể xảy ra đối với Venezuela cùng 32 triệu dân của nước này là gì? Sau đây là bốn kịch bản có thể xảy ra.

Ông Maduro “cầm cự” được nhưng bao lâu?

Theo báo The Guardian, ông Maduro đã hai lần sống sót qua những thách thức đối với quyền lực của mình. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2014, ông đã nhắm vào các lãnh đạo đối lập, như người bảo trợ chính trị cho “tổng thống” tự xưng Guaidó, ông Leopoldo López. Ông này đã bị bắt, cấm tranh cử và hiện vẫn bị quản thúc tại gia.

Tình trạng bất ổn mới nổ ra vào năm 2017 khi ông Maduro “phế quyền lực” Quốc hội Venezuela sau khi nó chuyển sang quyền kiểm soát của phe đối lập. Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng tay, với các số liệu không chính thức cho thấy hơn 120 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hành động này khiến cộng đồng quốc tế lên án nhưng ông Maduro không bị suy suyển quyền lực.

Cách tiếp cận đó dường như ít khả thi hơn trong thời điểm hiện tại. Dù vẫn duy trì được sự ủng hộ của các đồng minh như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba, ông Maduro đang phải gánh chịu áp lực quốc tế chưa từng có bao gồm hàng chục quốc gia Mỹ La-tinh.

Giới chức lãnh đạo hàng đầu của quân đội đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Maduro nhưng đã có một loạt vụ đào tẩu của các sĩ quan cấp thấp. Mới đây nhất, vào cuối tuần trước, một tùy viên quân sự tại đại sứ quán của Venezuela ở Mỹ đã chuyển sang ủng hộ ông Guaidó.

Những binh sĩ bình thường đã cảm nhận được tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng hiện tại nhưng ông Maduro được cho là đã tưởng thưởng cho các sĩ quan cao cấp bằng các vị trí trong chính phủ và Tập đoàn Dầu khí quốc gia - PDVSA. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ vừa công bố mới đây nhắm vào tập đoàn này có thể thay đổi điều đó.

Venezuela vẫn đang tiếp tục lún vào bất ổn với cuộc so kè Maduro - Guaidó. Ảnh: FOX NEWS

Thường dân lên thay hoặc đảo chính quân sự

Một cách khác để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay là một cuộc đảo chính quân sự để một vị tướng hoặc thường dân nào đó lên cầm quyền. Điều đó có thể có nghĩa mọi việc trở lại như thường lệ: Quản lý yếu kém, tham nhũng và nhiều vấn đề khác.

Những người kế vị tiềm năng trong quân đội sẽ là đồng minh của Tổng thống Maduro, ông Diosdado Cabello hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino. Ứng viên dân sự có thể là Phó Tổng thống Delcy Rodríguez hoặc người tiền nhiệm Tareck El Aissami.

Trong mọi trường hợp, sự thay đổi ở cấp cao nhất sẽ khó xoa dịu phe đối lập, hiện tỏ ra quyết tâm với điều mà họ gọi là “phục hồi nền dân chủ” ở Venezuela. Và nếu các giải pháp chính trị bị đóng lại vĩnh viễn, có nguy cơ những người chống chính phủ sẽ chuyển sang đấu tranh vũ trang.

Trong khi đó, trừ phi nhà lãnh đạo mới có thể tái thiết nền kinh tế bị tàn phá, hàng triệu người sẽ tiếp tục chạy trốn, gây thêm bất ổn cho khu vực.

Lối thoát có thương lượng

Việc chuyển tiếp trở lại chế độ dân chủ sẽ là cách dễ dàng nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela nhưng ông Maduro được rất ít nhưng lại mất tất cả từ việc rời bỏ quyền lực.

Ngay cả khi Tổng thống Maduro đồng ý ra đi, ông sẽ không muốn mạo hiểm với bất kỳ sự tính toán nào với quyền lực của mình và hàng ngàn quan chức chính quyền và quân đội ủng hộ ông cũng sẽ như vậy. Trong khi đó, ông Guaidó hứa ân xá cho các thành viên của lực lượng vũ trang trong một nỗ lực gây áp lực buộc ông Maduro thoái vị.

“Có những lý do thực tế cho một động thái như vậy” - ông Dimitris Pantoulas, chuyên gia tư vấn hoạt động tại thủ đô Caracas của Venezuela, nhận định. Ông này đề cập thỏa thuận hòa bình năm 2016 của chính phủ Colombia với lực lượng cánh tả FARC như một ví dụ khả dĩ. “Bạn không thể có hàng chục ngàn người phải sống lưu vong hoặc bị tòa án bình thường phán xét, đó sẽ là sự hỗn loạn” - ông này nói.

Tổng thống Maduro và êkíp thân cận rất có thể sẽ rời đất nước nhưng không rõ ông có thể đi đâu. Các đồng minh lớn của nhà lãnh đạo này là Nga, Trung Quốc, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hiện chưa rõ điều gì có thể thúc đẩy bất kỳ nước nào trong số này tiếp nhận ông.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã thúc đẩy cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ La-tinh và các nước láng giềng đang mong muốn có giải pháp nhanh chóng. Chuyên gia Phil Gunson thuộc tổ chức tư vấn Crisis Group nhận định: “Nếu xu hướng trở nên tồi tệ hơn, áp lực cho một cuộc tấn công quân sự nhằm chấm dứt bế tắc có thể sẽ tăng. Và đó là kết quả mà tất cả chúng ta nên cố tránh”. 

Chiến tranh

Ông Maduro lâu nay mô tả những khó khăn của nước mình là hậu quả của cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ tiến hành. Lập luận này đã giúp ông tập hợp các tướng lĩnh cùng một bộ phận những người ủng hộ. Tuy nhiên, giờ đây giới phân tích lo ngại những người có tư tưởng diều hâu ở Washington và Caracas có thể đẩy hai nước vào cuộc chiến thực sự.

Hiện tại, một cuộc xung đột như vậy vẫn là một khả năng xa vời nhưng có thể hình dung các chính phủ cánh hữu tại Brazil và Colombia có thể tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống Tổng thống Maduro.

Một cuộc chiến như vậy sẽ dai dẳng và đầy những biến số khó lường, nhất là khi báo chí phương Tây gần đây đăng thông tin về việc Nga đưa “lính đánh thuê” sang hỗ trợ ông Maduro. Việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây được chụp ảnh cầm tập giấy có dòng ghi chú “5.000 quân đến Colombia” đã gây lo ngại rằng Washington đang nghiêm túc cân nhắc một giải pháp quân sự với Venezuela.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm