Brunei và Malaysia tìm hòa bình trên biển

Brunei và Malaysia xúc tiến hợp tác khai thác hai khu vực dầu khí CA1 và CA2 trên biên giới chung ở biển Đông.

Quyết định này đã được nêu lên tại cuộc tham vấn thường niên Brunei-Malaysia ở Brunei hôm 11-8 (giờ địa phương). Cùng dự tham vấn có Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Dato Najib.

Hãng tin AsiaOne (Singapore) đưa tin dự kiến đến cuối năm nay hai bên sẽ ký kết thỏa thuận cuối cùng.

Từ năm 2009, Brunei và Malaysia đã trao đổi công hàm với dự kiến giải quyết dứt điểm các vấn đề biên giới trên biển, thiết lập khu vực khai thác dầu khí chung và ấn định thể thức phân giới trên bộ.

Hai bên cũng đã thảo luận nhằm cho phép ngư dân tự do đánh bắt trong khu vực truyền thống cho dù ngư dân nước này có thể đi vào lãnh hải của nước kia.

Phát biểu với báo giới trước khi rời Brunei, Thủ tướng Dato Najib thông báo: “Khai thác dầu khí sẽ được Malaysia và Brunei hợp tác tiến hành trong các khu vực có chồng lấn”. Ông nhấn mạnh vấn đề về tranh chấp hàng hải nói chung đã được giải quyết.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (phải) và Thủ tướng Malaysia Dato Najib trong cuộc tham vấn ngày 11-8 tại Brunei. Ảnh: BERNAMA

Liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông, ông nhận định tính chất trung tâm của ASEAN là chìa khóa then chốt để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Trong khi đó, báo Sydney Morning Herald (Úc) ngày 11-8 đưa tin GS Ross Babbage, người Úc, nguyên cố vấn đặc biệt của Bộ Quốc phòng Úc, nhận định lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai có khả năng sẽ xảy ra xung đột giữa các nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Nỗi lo ngại này xuất phát từ hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông.

GS Ross Babbage nhận định Úc sẽ trở thành vùng xoáy chiến lược vì vị trí của Úc gần tâm điểm không gian đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, ông đề nghị Úc cần tái cấu trúc chiến lược an ninh. Điều này có nghĩa là Úc cần chi tiêu thêm cho quốc phòng và gia tăng củng cố liên minh với Mỹ.

Theo ông, Úc cần nâng cấp quan hệ đồng minh với Mỹ lên cấp độ mới và nỗ lực để trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Úc cũng cần dự kiến triển khai các căn cứ không quân và hải quân chung với Mỹ tương tự như căn cứ không gian ở Pine Gap.

Ông cho rằng về dài hạn, cách tốt nhất là một số đơn vị hỗn hợp Úc-Mỹ triển khai thường trực tại các căn cứ mới bố trí ở các vị trí chiến lược. Như vậy sẽ làm giảm áp lực đối với các căn cứ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đồng thời khẳng định vai trò của Úc là trục bản lề chiến lược giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ngoài Mỹ, GS Ross Babbage còn đề nghị Úc nên phát triển quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ đồng thời hợp tác hơn nữa với các nước khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc.

Các ý kiến nêu trên đã được nêu trong công trình nghiên cứu của GS Ross Babbage do Viện nghiên cứu Menzies (Úc) ấn hành.

Ngày 11-8 (giờ địa phương), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời nghị sĩ Francisco Acedillo ở Philippines cho biết theo tin tình báo, một tàu hải giám Trung Quốc đã thả neo cách đây hơn một tháng gần tiền đồn-tàu đổ bộ Sierra Madre của Philippines trên bãi Cỏ Mây. Trên tàu có một tiểu đội Philippines canh gác. Chuyên gia Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc phân tích tàu Trung Quốc sẽ không dám manh động. Lý do: Tàu Sierra Madre do Mỹ đóng, sau đó chuyển cho Philippines, do đó theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines thì Mỹ sẽ quan tâm nếu các binh sĩ Philippines bị tấn công trên Thái Bình Dương.

_________________________________

Điều đặc biệt quan trọng là các nước tranh chấp trong ASEAN cần phải đoàn kết. Trên cơ sở đó, các nước có thể giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

Thủ tướng Malaysia DATO NAJIB

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm