Ca tử vong vì virus H5N1 ở Thâm Quyến do gia cầm

Trung tâm khẳng định chủng này 90% giống chủng virus H5N1 phát hiện trước đây ở vịt tại Trung Quốc.

Kết quả phân tích gien cho thấy chủng này có độc tố cao (có khả năng gây tử vong 60% các ca nhiễm) và có thể lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm sang người nhưng không lây từ người qua người. Trung tâm đã kêu gọi người dân không nên hoảng hốt.

Anh Trần 39 tuổi ngụ quận Bảo An, sốt cao ngày 21-12. Bốn ngày sau, anh nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp và được chẩn đoán dương tính với virus cúm H5N1. Anh tử vong ngày 31-12 do bị nhiều tổn thương trong nội tạng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác định nơi anh Trần nhiễm virus H5N1. Theo báo chí địa phương, anh thường tập thể dục ở một công viên có nhiều đầm lầy tại Thâm Quyến. Tại đây có nhiều loài chim di trú.

Đây là ca tử vong do cúm gia cầm H5N1 đầu tiên ở người trong 18 tháng qua ở Trung Quốc. Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông, không có dịch cúm gia cầm lớn nào xảy ra trong tỉnh trong thời gian gần đây. Sở Y tế tỉnh xác nhận có 120 người tiếp xúc với anh Trần nhưng không ai phát triển triệu chứng bất thường nào.

Ngày 2-1, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho biết chủng virus H5N1 gây tử vong cho anh Trần tương tự như chủng virus phát hiện ở hai con chim hoang dã chết cách đây hai tuần ở Hong Kong (sát Thâm Quyến). Kết quả phân tích gien cho thấy các ca nhiễm có thể điều trị bằng thuốc trị virus thông thường amantadine.

Tuy nhiên, điều các chuyên gia lo ngại là chủng virus này có thể biến thể thành một chủng khác dễ lây từ người qua người. Trong ngày anh Trần tử vong, chính quyền đặc khu Hong Kong đã ngưng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm và gia cầm sống ở một số khu vực tại Thâm Quyến trong 21 ngày.

Ngày 1-1, Tổng Cục trưởng Y tế Malaysia Hasan Abdul Rahman cho biết đang giám sát chặt chẽ tin tức về cúm H5N1 ở Trung Quốc. Ông kêu gọi người dân không tiếp xúc với gia cầm chết nếu như không mang găng tay và báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho cơ quan thú y gần nhất.

LÊ LINH (Theo AP, THX, NST)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm