Các binh sĩ Nga chiếm sân bay Crimea?

Trưa 28-2, có tin Ukraine đã kiểm soát được tình hình các sân bay bị chiếm ở nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.

50 tay súng mặc quân phục đã phong tỏa sân bay quốc tế Simferopol (dân sự) và sân bay quốc tế Sevastopol ở Belbek gần căn cứ hạm đội Nga từ đêm hôm trước. Trong sân bay ở Belbek có Lữ đoàn không quân chiến thuật 204 của Ukraine.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin sáng 28-2, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Arsen Avakov của Ukraine đã thông báo trên trang Facebook các binh sĩ hải quân Nga đã chiếm hai sân bay ở Crimea, đồng thời lên án Nga xâm lược.

Trong khi hãng tin Interfax (Nga) khẳng định đó là các binh sĩ Nga thì đài Tiếng nói Nga lại cho rằng đó là lực lượng tự vệ mới thành lập ở Crimea. Người phát ngôn hạm đội Nga ở Sevastopol tuyên bố không có đơn vị nào của hạm đội vào các sân bay đã nêu.

Đến trưa, hãng thông tấn Unian (Ukraine) đưa tin gần một chục máy bay trực thăng MI-24 của Nga cất cánh từ Nga đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Belbek.

 
Các tay súng mặc quân phục canh gác trước sân bay quốc tế Simferopol ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó hôm 27-2, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết Nga có thông báo cho NATO về đợt tập trận quy mô lớn và NATO không xem cuộc tập trận có liên quan đến tình hình Ukraine cũng như không có thông tin Nga sẽ can thiệp quân sự vào Ukraine.

Trước tình hình này, tại Kiev, Quốc hội Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp, đồng thời yêu cầu Mỹ và Anh bảo vệ chủ quyền cho Ukraine (năm 1994, Mỹ, Anh và Nga đã ký kết nghị định thư Budapest cam kết bảo vệ chủ quyền cho Ukraine, đổi lại Ukraine phải từ bỏ vũ khí hạt nhân).

Hôm 27-2, nghị viện Crimea đã nhất trí sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 25-5 về quyền tự quyết của Crimea trong lòng Ukraine hoặc có thể sáp nhập vào Nga. Nghị viện đã quyết định sa thải chính phủ, đồng thời chỉ định ông Sergei Aksenov, Chủ tịch đảng Thống nhất Nga, đứng đầu chính phủ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga để bình thường hóa tình hình Ukraine.

Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh cần phải thực hiện thỏa thuận giải quyết khủng hoảng được Tổng thống Yanukovych và phe đối lập ký kết hôm 21-2 dưới sự bảo trợ của các ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan và được Mỹ ủng hộ. Thỏa thuận được ký kết chưa ráo mực thì Quốc hội đã phế truất Tổng thống Yanukovych.

Ngày 28-2, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu tuyên bố EU thừa nhận chính phủ mới ở Ukraine là hợp pháp và sẵn sàng cộng tác.

Về phía Nga, lần đầu tiên từ khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng.

Ông chỉ đạo chính phủ tiếp tục đàm phán với Ukraine về các hồ sơ kinh tế và thương mại đồng thời tiếp xúc với các đối tác nước ngoài như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và G8 về viện trợ tài chính cho Ukraine. Ông cũng chỉ đạo nghiên cứu yêu cầu viện trợ nhân đạo của Cộng hòa Crimea thuộc Ukraine.

Các chuyên gia nhận định quyết định này chứng tỏ Nga không muốn bị gạt ra rìa trong khi phương Tây chìa củ cà rốt với Ukraine.

HOÀNG DUY

Dự kiến lúc 17 giờ giờ địa phương ngày 28-2, Tổng thống Yanukovych sẽ xuất hiện trong cuộc họp báo ở TP Rostov trên sông Don (Nga) giáp biên giới Ukraine. Viện Công tố Ukraine đã tuyên bố sẽ yêu cầu Nga cho dẫn độ ông Yanukovych nếu thông tin ông này có mặt ở Nga được khẳng định. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố có thể cho các công dân Ukraine tị nạn nếu họ bị truy tố vì lý do chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm