Các 'ông lớn' gật đầu, hòa bình có trở lại Syria?

Thỏa thuận được các nước lớn như Nga và nhiều nước khác thông qua tại Munich, Đức rạng sáng 12-2 (giờ địa phương) sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng. 
Tại hội nghị ở Munich, các bên tham gia gồm có Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria (ISSG), Liên đoàn Arab, Trung Quốc, Ai Cập, đại diện Liên Minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Đức, Pháp, Iran, Iraq, Ý, Jordan, Lebannon, Qatar, Nga, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Anh, Mỹ.

Đây được xem là lệnh ngừng bắn áp dụng trên khắp Syria, đồng thời cũng là giải pháp mở cửa cho các tổ chức hỗ trợ nhân đạo vào Syria và tái thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, hiệp định đến giờ vẫn mang tính giấy tờ và hình thức, theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. “Điều chúng tôi cần vẫn là hành động sắp tới diễn ra trên đất nước Syria”, ông cho biết.

Thông cáo được công bố giữa lúc chính phủ Syria phát động cuộc chiến mới ở thành phố Aleppo (ảnh: AFP) 

Hiệp định sẽ là một bước tiến lớn cho nền hòa bình và nhân đạo tại Syria. Trong đó, cuộc chiến giữa các phe phái chồng chéo tranh giành quyền lực tại nước này sẽ có dịp ngồi lại với nhau, cùng hành động vì tương lai phía trước của nước này.

Lực lượng quân đội chính qui cùng các băng nhóm ủng hộ tổng thống Bashar Assad và lực lượng đối lập (gồm trong nước và quốc tế) sẽ thôi chinh chiến. Tuy nhiên, các bên đều thỏa thuận cuộc đấu tranh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và nhánh al-Qaeda tại Syria là al-Nusra Front vẫn sẽ tiếp diễn.

Mỹ và Nga sẽ dần đầu đoàn lực lượng đặc nhiệm nhằm thực thi một “lệnh ngừng xung đột và thù địch một cách toàn diện trong thời gian dài”. Cũng theo ông Kerry, các tổ chức và nhóm quốc tế cũng có trách nhiệm đẩy lùi xung đột chứ không khiến nó dứt hẳn.

(Từ trái sang) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đồng cấp Mỹ John Kerry và đặc sứ viên Liên Hiệp Quốc tại Syria Staffan de Mistura tại Munich, Đức ngày 12-2 (ảnh: Reuters) 

Ngoại trưởng Mỹ cho biết kế hoạch duy nhất cho hòa bình tại Syria chính là việc thống nhất chuyển giao quyền lực chính trị toàn diện giữa các bên. Tuy nhiên, để đạt được nó trong thời gian sắp tới là vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các bên đồng minh của Mỹ cũng cho rằng để thực thi đúng lệnh ngừng chiến, Nga phải ngừng ném bom đánh trả các phe nhóm chống ông Assad. Tuy nhiên phía Moscow cho rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào các lực lượng khủng bố IS.
“Sẽ không có hiệp định ngừng thù địch nào được tiến hành nếu các phe đối lập “ôn hòa” cứ tiếp tục trở thành mục tiêu”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thông số do Mỹ cung cấp, số người thiệt mạng trong năm năm qua đã vượt ngưỡng 250.000 người, trong khi hơn 4,5 triệu người đã phải ly tán đến các quốc gia khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm