NHỮNG BÀI HỌC TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ - PHẦN 7:

Các thế lực thù địch tiến công Đảng Cộng sản Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình” - kỳ cuối

Trên thực tế, từ lâu ở Liên Xô đã tồn tại một số vấn đề dân tộc, việc Gorbachev thực hiện chính sách dân chủ hóa giữa các dân tộc khiến các vấn đề này ngày càng phức tạp, từ đó làm cho xung đột dân tộc nghiêm trọng hơn. Các nước phương Tây đã tranh thủ cơ hội, đổ dầu vào lửa. Ngay sau khi Liên Xô thực hiện chương trình cải tổ, một số nghị sĩ Hoa Kỳ đã tới Latvia kích động vấn đề dân tộc ở Liên Xô, công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ thừa nhận sự vị trí của Liên Xô với các nước vùng biển Baltic, và nhân dân vùng biển Baltic có quyền quyết định độc lập hay không.

Mùa xuân năm 1989, khi phong trào ly khai diễn ra sôi sục tại ba nước cộng hòa vùng ven biển Baltic, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã gặp gỡ các thế lực ly khai tại địa phương, tìm hiểu ý đồ, chương trình hành động của họ rồi bày tỏ sự ủng hộ. Từ đó tiếp tục đẩy lên thành “Phong trào con đường biển Baltic” với sự tham gia của hai triệu người dân, thể hiện quyết tâm ly khai. Trong thời gian này, họ công khai nêu khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Liên Xô” và đòi tách khỏi Liên Xô.

Ngày 1-12-1989, nguyên thủ hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau tại Malta. Bush gây áp lực với Gorbachev: không được dùng vũ lực với ba nước ven biển Baltic, nếu không làn sóng chống Xô sẽ tràn khắp Hoa Kỳ. Bush còn nhiều lần gặp lãnh đạo phong trào ly khai vùng Baltic bày tỏ sự ủng hộ đối với họ. Tháng 1-1991, tình hình Lithuatania (Lít-va) trở nên căng thẳng, Mỹ lập tức lên án quân đội Liên Xô khiêu khích, đòi Liên Xô quay về bàn đàm phán, đồng thời thông qua các kênh ngoại giao bày tỏ lập trường cứng rắn với Liên Xô. Đích thân Bush gọi điện cho Gorbachev yêu cầu ông ta thực hiện lời cam kết không sử dụng vũ lực với các nước cộng hòa vùng Baltic, nếu không sẽ ngừng viện trợ cho Liên Xô.

Dưới sức ép của Hoa Kỳ, ngày 30-1, Gorbachev ra lệnh cho lực lượng quân nhảy dù và bộ binh đã được phái đến kiểm soát tình hình ở Lithuatania rút khỏi Lithuatania, đồng thời cam kết với Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy tiến trình chính trị theo con đường “kiên trì Hiến pháp”, mong muốn đối thoại cùng lực lượng ly khai ven biển Baltic. Kể từ đó, chính quyền Trung ương Liên Xô mất đi quyền kiểm soát với ba nước cộng hòa này. Sự thắng thế của lực lượng ly khai ba nước vùng Baltic đã dẫn đến hiệu ứng domino đòi giải thể Liên Xô.

Các thế lực thù địch tiến công Đảng Cộng sản Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình” - kỳ cuối ảnh 1

Tháng 8-1991, Yeltsin (phải) đề nghị Tổng thống Gorbachev giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô

Thủ đoạn thứ năm, cũng là thủ đoạn chí tử nhất mà Hoa Kỳ và phương Tây áp dụng trong chiến lược phương Tây hóa và phân hóa với Liên Xô là trăm phương nghìn kế hỗ trợ thế lực chống đối trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, ra sức nâng đỡ những kẻ rắp tâm phá hủy Đảng Cộng sản Liên Xô và chính quyền Xô Viết. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô đã tiếp xúc với Yeltsin. Sự hăng hái của Yeltsin trong việc chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội đã để lại cho Đại sứ Hoa Kỳ ấn tượng sâu sắc. Hoa Kỳ coi Yeltsin là đối tượng vận động trọng điểm, dồn toàn lực ủng hộ mọi hành động của ông ta nhằm chống lại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, chống lại chính quyền Liên bang, chia rẽ Đảng Cộng sản Liên Xô và chia rẽ Liên Xô.

Sau khi Yeltsin bắt đầu có xung đột với Gorbachev, bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị, họ tìm cách lợi dụng mọi cơ hội để tiếp xúc mật thiết hơn với ông ta. Năm 1989, Yeltsin được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô và vào Xô Viết tối cao. Tháng 9 năm đó, Yeltsin thăm Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ phá lệ thông thường, tiếp đón trọng thị nhân vật này trong một chuyến thăm phi chính thức. Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Tổng thống Reagan đều lần lượt gặp gỡ Yeltsin. Về nước, Yeltsin tăng cường các hoạt động chống Cộng. Ông ta vận động thay đổi Hiến pháp để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Bên trong Đảng, ông ta lãnh đạo phe cương lĩnh dân chủ âm mưu phá hoại triệt để Đảng Cộng sản Liên Xô, giành lấy quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô. Hoa Kỳ đứng ngoài can thiệp, thúc đẩy Yeltsin và Gorbachev bắt tay hợp tác. Đây thực chất là hành động can thiệp trực tiếp vào hoạt động đấu tranh chính trị ở Liên Xô.

Năm 1991, Yeltsin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga. Ngay lập tức, Hoa Kỳ vội mời Yeltsin sang thăm và dành cho ông ta nghi lễ đón tiếp đối với một nguyên thủ quốc gia (dù lúc đó Yeltsin vẫn chưa nhậm chức). Không chỉ Tổng thống Bush có cuộc hội đàm rất dài với Yeltsin mà cả Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, lãnh đạo Thượng Nghị viện cũng như lãnh đạo Liên đoàn lao động, Liên đoàn sản xuất, những ông chủ của các tập đoàn lớn, lãnh đạo các đoàn thể lần lượt hội kiến Yeltsin. Yeltsin đã báo đáp ân huệ mà Hoa Kỳ dành cho mình. Tháng 12-1991, trước khi mật bàn với lãnh đạo Ukraine về việc giải thể Liên Xô, ông đã ta thông báo việc này với Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ ủng hộ.

Đêm trước sự kiện chính biến ngày 19-8, một nhân sĩ ở Liên Xô là Popov đã mật báo với Đại sứ Hoa Kỳ rằng, có người đang hoạch định một âm mưu lớn. Sau sự kiện 19-8, Tổng thống Hoa Kỳ hai lần điện thoại cho Yeltsin để trấn an tinh thần và cổ vũ ông ta. Các nước phương Tây cũng tỏ rõ ràng lập trường ủng hộ Yeltsin. Thủ tướng Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa 200 triệu USD viện trợ dành cho Liên Xô, chỉ trích Liên Xô có nguy cơ quay lại thời chiến tranh lạnh. Nhật Bản lên án Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô là không hợp pháp và tuyên bố dừng viện trợ. Lãnh đạo Đức bày tỏ sự ủng hộ với Yeltsin về việc “khôi phục trật tự Hiến pháp”. Lãnh đạo Pháp công kích mạnh mẽ Ủy ban tình trạng khẩn cấp của Liên Xô, yêu cầu Cộng đồng châu Âu tổ chức cuộc họp cấp cao về tình hình Liên Xô. Ngân hàng Thế giới tuyên bố tạm dừng thảo luận kiến nghị về viện trợ kỹ thuật cho Liên Xô.

Lúc này, Gorbachev sát cánh cùng Yeltsin để đối phó Ủy ban tình trạng khẩn cấp khi đó đang muốn cứu Liên Xô. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là Gorbachev từ chỗ khuất phục đến chào đón chiến lược phương Tây hóa, phân hóa, cộng thêm nội công ngoại kích của lực lượng chống đối Đảng Cộng sản Liên Xô, đã đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô đi vào cảnh cùng đường trong cuộc chiến không có khói súng. Đảng Cộng sản Liên Xô từ hưng thịnh đến bại vong, đất nước Liên Xô từ lớn mạnh đến tan vỡ.

Sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự chấm dứt của chế độ XHCN ở Liên Xô, sự giải thể của Liên Xô với tư cách là một quốc gia thống nhất đa dân tộc là sự kiện chính trị phức tạp do nhiều nguyên nhân tổng hợp gây nên. Bao gồm nhân tố trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng, nhân tố lịch sử và hiện thực, nhân tố kinh tế, nhân tố chính trị, nhân tố văn hóa, tư tưởng và cả nhân tố xã hội... Thế nhưng, là rường cột của đất nước và nhân dân Liên Xô, là cốt thép của sự nghiệp XHCN ở Liên Xô, sự thoái hóa và biến chất trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô chính là một nhân tố chủ yếu bên trong dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của tòa lâu đài kiên cố này.

Cuối năm 2005, kết quả một cuộc điều tra dư luận của hai cơ quan mang tính trung lập nổi tiếng ở Nga cho thấy: 66% người Nga ngày nay cảm thấy nuối tiếc cho sự sụp đổ của Liên Xô; 76% số người cho rằng Liên Xô có rất nhiều điểm đáng để tự hào; 72% và 80% số người được hỏi lần lượt cho rằng thời Gorbachev và Yeltsin đã đi con đường sai lầm; chỉ có 1% số người được hỏi mong muốn sống dưới thời Yeltsin. Sau khi nhậm chức tổng thống Nga vào năm 2001, Putin từng nhiều lần chỉ thị cần phải chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong sách giáo khoa lịch sử, cần phải bồi đắp niềm tự hào của thế hệ thanh niên với Tổ quốc và lịch sử. Tháng 7-2004, Bộ Giáo dục Nga xuất bản lại bộ giáo trình tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô Bolshevik.

Những năm gần đây, Nga xuất bản nhiều sách khẳng định công lao to lớn của Stalin, trong đó tiêu biểu nhất là cuốn Đại nguyên soái Stalin (Kapov) và cuốn Stalin của Emily Ianov. Tượng Stalin từng bị đẩy đổ vào những năm 50 của thế kỷ 20 đã được dựng lại ở một số địa phương ở Nga vào dịp chuyển giao thế kỷ. Gần đây, giới lý luận Nga dấy lên một cuộc tranh luận rầm rộ, trong đó tuyệt đại đa số đều phê phán chủ nghĩa tự do mới đã gây nên thảm họa khôn cùng cho nước Nga, và khẳng định di sản của Marx ngày nay vẫn còn giá trị quan trọng.

Ngày 8-12-2004, trong bài viết dài kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Stalin, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Zuganov nói: Những năm gần đây trong bối cảnh đất nước suy tàn, hỗn loạn và khủng hoảng liên tiếp, sự quan tâm của mọi người trong việc suy xét đánh giá lại Stalin ngày càng tăng. Đó là sự thật ai cũng rõ. Zinoviev là người gần như cả đời chỉ có biết đến việc phê phán Stalin và Liên Xô. Những năm 30 của thế kỷ XX, ông còn là thành viên trong một nhóm âm mưu ám sát Stalin. Thế nhưng gần đây khi suy ngẫm lại ông đã nói rằng: Liên Xô có được những thành tựu vĩ đại sở dĩ là nhờ có được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và Stalin. Cần phải đánh giá lại những hoạt động trấn áp của Stalin những năm 30, dù rằng trong đó có rất nhiều hành vi quá mức nhưng sự xây dựng chế độ mới thường đi kèm với sự đấu tranh với các thế lực chống phá. Sự trấn áp của Stalin trên thực tế đã tiêu diệt những kẻ biến chất thực tế và ẩn giấu tiềm tàng. Đến cả Solzhenitsyn, tác giả đã kịch liệt phủ định Stalin khi suy ngẫm lại cũng phải thừa nhận “Tôi đã hại Tổ quốc Nga”. Còn cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, một trong ba nhân vật hàng đầu tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện như hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”.

Bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô thật đau đớn và sâu sắc. Tư liệu trên đây chỉ là một tài liệu để tham khảo. Cần phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu để rút ra những kết luận khách quan, khoa học có ý nghĩa cảnh báo nhằm xây dựng các Đảng Cộng sản Marxist - Leninist vững mạnh, đủ bản lĩnh để đập tan những âm mưu và thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội; lãnh đạo cách mạng không ngừng tiến lên.

(Hết)

Theo NDĐT- THỜI NAY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm