Campuchia phản ứng việc 2 quan chức cấp cao bị Mỹ liệt vào danh sách đen

Hãng AP đưa tin Campuchia ngày 11-11 đã chỉ trích lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với hai quan chức quốc phòng cấp cao nước này với cáo buộc tham nhũng liên quan căn cứ hải quân Ream là “có động cơ chính trị”.

Người phát ngôn chính phủ Phay Siphan hôm 11-11 cho biết Campuchia đã không được thông báo trước về các lệnh trừng phạt. Ông Siphan cho biết Campuchia không có ý định đáp trả Washington.

Quân cảng Ream. Ảnh: AP

“Các biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ chỉ được đưa ra đơn phương và quyết định của họ không dựa trên pháp quyền - đó là một sự bất công đối với Campuchia” – ông Siphan cho hay.

“Các biện pháp trừng phạt này có động cơ chính trị, và không có lý do gì Campuchia phải nói chuyện với Mỹ về vấn đề này” – ông Siphan nhấn mạnh.

Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh không bình luận về việc Campuchia có liên hệ với các lệnh trừng phạt hay không, song nói rằng động thái này sẽ không gây bất ngờ.

Người phát ngôn Đại sứ quán Chad Roedemeier cho biết: “Các quan chức Mỹ thường xuyên nêu quan ngại với các quan chức Campuchia về tham nhũng có hệ thống, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và vi phạm nhân quyền.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ hôm 10-11, ông Chau Phirun - tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia - “âm mưu thu lợi từ các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và nâng cấp các công trình ở căn cứ hải quân Ream”.

Thông báo này cũng tuyên bố tướng Tea Vinh - tư lệnh hải quân Campuchia, ông Chau và các quan chức chính phủ khác “có khả năng âm mưu tăng chi phí cơ sở vật chất tại căn cứ và trục lợi cá nhân từ số tiền thu được”.

Ông Chau, Tea và các thành viên trong gia đình hai quan chức này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ phong tỏa bất kỳ tài sản nào hai quan chức này và các thành viên gia đình nắm giữ.

Bộ Quốc phòng Campuchia và Hải quân Hoàng gia Campuchia chưa đưa ra bình luận.

Theo AP, Mỹ đã tài trợ cho Campuchia xây các công trình tại căn cứ Ream. Tuy nhiên, các công trình này đã bị phá bỏ. Campuchia đang thực hiện nâng cấp căn cứ dưới sự tài trợ của Trung Quốc.

Liên quan quân cảng Ream, phía Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự can dự của Trung Quốc.

AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 11-11 bảo vệ điều mà ông gọi là “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi giữa Trung Quốc và Campuchia” trong dự án. Ông Uông cũng cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc của Campuchia bằng cách sử dụng các biện pháp trừng phạt.

"Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và cái gọi là quyền tài phán dài hạn của Mỹ, cũng như sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước khác" – ông Uông cho hay tại cuộc họp báo hôm 11-11.

Những tháng gần đây, Mỹ bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Campuchia, quốc gia được cho là thường ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng.

Căng thẳng mới tập trung một phần vào việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Ream, và khả năng quân đội nước này có thể tìm kiếm quyền tiếp cận quân cảng này trong tương lai. 

Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập một tiền đồn quân sự ở quân cảng này, nói rằng một thỏa thuận như vậy bị cấm theo hiến pháp Campuchia.

Căn cứ Ream hướng ra Vịnh Thái Lan, nơi tiếp giáp với Biển Đông, và việc nắm quyền tiếp cận quân cảng này được cho là sẽ mở rộng đáng kể năng lực quân sự chiến lược của Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm