Campuchia triệu hồi đại sứ ở Philippines

Báo Cambodia Herald (Campuchia) ngày 7-8 dẫn các nguồn tin từ chính phủ Campuchia cho biết hôm trước đó, Campuchia đã triệu hồi Đại sứ Campuchia tại Philippines Hos Sereythonh về nước, kết thúc nhiệm kỳ sớm hơn một năm so với thời hạn (thông thường kéo dài ba năm). Ông Hos Sereythonh sẽ ở lại Philippines đến tuần sau để bàn giao công việc.

Quyết định trên của Campuchia được đưa ra sau khi căng thẳng xảy ra giữa Philippines và Campuchia do Đại sứ Hos Sereythonh viết bài đăng trên báo Philippine Star (Philippines) ngày 30-7 chỉ trích phát biểu của thứ trưởng Ngoại giao Philippines tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Campuchia.

Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Hos Sereythonh để giải thích về bài viết nhưng ông vin lý do sức khỏe và không đến.

Campuchia triệu hồi đại sứ ở Philippines ảnh 1

Hai tàu tấn công đổ bộ được bàn giao cho hải quân Philippines ngày 6-8. Ảnh: REUTERS

Báo Cambodia Herald nhận định Campuchia quyết định triệu hồi Đại sứ Hos Sereythonh nhằm giảm căng thẳng với Philippines. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia đã giảm tính chất nghiêm trọng của sự việc khi tuyên bố Đại sứ Hos Sereythonh về nước vì nhiệm kỳ kết thúc.

Tại Philippines, hãng tin Reuters cho biết ngày 6-8, hải quân Philippines đã tiếp nhận hai tàu tấn công đổ bộ do Công ty kỹ thuật hàng hải Propmech ở Manila đóng. Hải quân cho biết sẽ sử dụng tàu để phục vụ tuần tra biển.

Liên quan đến sự kiện hải quân Sri Lanka giữ hai tàu cá có ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép đêm 5-8, Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 7-8 xác nhận 37 ngư dân Trung Quốc vẫn còn bị giữ tại Sri Lanka. Thuyền trưởng Vương Vi Châu đã gọi điện thoại liên lạc về cho biết các ngư dân được đi lại tự do trên tàu và sức khỏe tốt.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka xác nhận hai tàu cá thuộc quyền sở hữu của công dân Sri Lanka và các ngư dân Trung Quốc chỉ làm thuê.

Theo Reuters, người phát ngôn hải quân Sri Lanka thông báo các ngư dân bị giữ trên hai tàu cá lưu tại cảng Trincomalee (miền Đông Sri Lanka) và sẽ bị khởi tố về hành vi đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Sri Lanka.

Reuters nhận định sự kiện nêu trên là phép thử trong quan hệ Sri Lanka-Trung Quốc. Từ lâu, Trung Quốc đua tranh với Ấn Độ (đồng minh truyền thống của Sri Lanka) để tranh giành ảnh hưởng với Sri Lanka bằng cách viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và là nước viện trợ nhiều nhất cho Sri Lanka trong hai năm qua.

Sri Lanka nằm trong đường giao thương hàng hải cổ xưa ở Ấn Độ Dương, có tầm quan trọng về thương mại và quân sự với Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc triển khai tàu lặn cứu hộ

Báo China Daily (Trung Quốc) ngày 7-8 đưa tin hôm trước đó, tàu lặn cứu hộ Thâm Tiềm đã đi vào hoạt động tại Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông). Tàu có trọng tải 13.000 tấn, dài 125 m, có bãi đáp trực thăng, sức nâng cần cẩu 140 tấn. Công ty cứu hộ Thượng Hải cho biết 12 thợ lặn làm việc luân phiên có thể lặn đến độ sâu 300 m liên tục trong 28 ngày. Hiện có tám nước đã sử dụng công nghệ lặn sâu 400 m. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Từ Tổ Viễn cho biết tàu có chức năng làm sạch dầu tràn trên diện rộng, hỗ trợ giải quyết tai nạn hàng hải, cứu hộ ở vùng nước sâu hơn với trọng tải lớn hơn.

DUY KHANG

LÊ LINH - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm