Căng thẳng Mỹ-Iran: Ai quyết định giá dầu?

Các nước sản xuất dầu và khách hàng sử dụng dầu ngày 5-11 bước vào một giai đoạn lo lắng mới khi vòng khôi phục trừng phạt thứ hai của Mỹ với Iran có hiệu lực, sau lần thứ nhất khôi phục trừng phạt vài tháng trước. Như vậy, Mỹ xem như đã khôi phục toàn bộ trừng phạt vốn từng phong tỏa trước khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2015.

Giá dầu sẽ tăng?

Hiện tại thị trường phản ứng khá lặng lẽ với diễn biến này, thậm chí giá dầu vài tuần gần đây còn giảm nhẹ dù đã có thông tin Mỹ sẽ khôi phục trừng phạt Iran. Ông Sadad Ibrahim al-Husseini, cựu phó chủ tịch Công ty dầu quốc gia Saudi Aramco, tin tưởng trừng phạt Iran sẽ không ảnh hưởng giá dầu vì nguồn cung từ OPEC, Nga… đáp ứng được nhu cầu trong vài năm tới.

Khi Mỹ lần đầu khôi phục trừng phạt Iran, viễn cảnh thị trường dầu bị thắt chặt khiến giá dầu tăng. Điều này lại khuyến khích các nước khai thác nhiều hơn, kết quả là phần dầu giảm của Iran lại được bù bằng dầu từ các nước Mỹ, Nga, Saudi Arabia. Sản lượng khai thác của Mỹ và Nga đạt hơn 11,3 triệu thùng/ngày. Phần mình, các nước Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng ở mức cao nhất trong hai năm, dù Iran và Venezuela có giảm. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc và các nước đang phát triển ít hơn vì kinh tế chậm lại. Hai lý do này đã kiềm chế giá dầu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ tăng. Hiện xuất khẩu dầu của Iran giảm xuống mức 1,3 triệu thùng/ngày, so với 2,4 triệu thùng/ngày đầu năm nay vì nhiều khách hàng quay lưng tìm nguồn cung khác để tránh trừng phạt của Mỹ. Nhà phân tích cấp cao Matt Badiali tại Công ty nghiên cứu tài chính Banyan Hill (Mỹ) dự đoán trừng phạt của Mỹ sẽ còn cắt xuất khẩu của Iran thêm 900.000 thùng/ngày nữa vào năm tới. Nhìn toàn cảnh, trừng phạt sẽ cắt nguồn cung dầu toàn cầu khoảng 2%.

Một giàn khoan dầu ngoài khơi của Iran. Ảnh: BLOOMBERG

Iran giữ vai trò quyết định

Mục tiêu của Tổng thống Trump là buộc Iran từ bỏ các hoạt động chính trị và quân sự ở Trung Đông. Theo New York Times, ngoài mục tiêu này, một điều nữa chính phủ Trump hy vọng là trừng phạt Iran sẽ không làm tăng giá dầu gây khủng hoảng cho thị trường. Tuy nhiên, khả năng này không nằm trong tay Mỹ mà ở Iran.

20 nước đã cắt nhập khẩu dầu từ Iran, hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rút khỏi Iran vì sợ trừng phạt từ Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ngày 5-11. 

Chuyên gia Badiali tại Công ty Banyan Hill không tin các nước có thể bù thêm vào phần xuất khẩu dầu Iran. Chủ tịch Badr H. Jafar của Công ty dầu Crescent Petroleum (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cho rằng Saudi Arabia có thể sẽ không thể duy trì sản lượng cao như hiện nay. Nhiều chuyên gia dự báo nguồn cung dầu sẽ hiếm dần thời gian tới, đặc biệt mùa hè tới và sẽ đẩy giá lên.

Theo ông Jafar, giá dầu tới đây có thể sẽ tăng lên tới 80 USD/thùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu rồi sẽ tăng cao hơn, như lúc chính phủ Obama dẫn đầu chiến dịch trừng phạt quốc tế thời điểm 2011-2012 nhằm buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân. Thời điểm đó giá dầu tăng trên 100 USD/thùng.

Dù thế nào, diễn biến tới đây sẽ tùy thuộc vào cách Iran phản ứng với trừng phạt, theo nhiều chuyên gia. Nếu Iran thực hiện đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz - tuyến vận tải quan trọng cho dầu vùng Vịnh, giá có thể sẽ tăng. Điều tương tự cũng xảy ra nếu Iran có bước đi quân sự nào hay bước tấn công mạng nào nhắm vào Saudi Arabia hay Israel. Nếu tình hình nội chiến Yemen - nơi Iran ủng hộ nhóm phiến quân Houthi, Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Ả Rập ủng hộ chính phủ Yemen, các tuyến vận tải dầu khác có thể bị phong tỏa và giá bị đẩy lên.

Đợt trừng phạt này không chỉ nhằm vào xuất khẩu dầu Iran mà còn nhắm đến các công ty vận tải quốc tế, các ngân hàng, nhà bảo hiểm, các cảng làm ăn với Iran. Thương mại của Mỹ với Iran đã được kiểm soát chặt nhưng chính phủ Trump còn muốn vươn kiểm soát đến cả các công ty quốc tế. Nói cách khác, các công ty quốc tế nếu làm ăn với Iran sẽ bị Mỹ trừng phạt, rút khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Và dĩ nhiên khi phải chọn lựa thì các công ty này sẽ chọn Mỹ thay vì Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm