Căng thẳng Trung-Úc và viễn cảnh một 'NATO thương mại'

Theo tờ South China Morning Post ngày 8-7, Trung Quốc nói sẽ không làm ăn với các nước ngầm phá hoại mình và sẽ khiến các nước này gánh chịu hậu quả.

Động thái mới của Trung Quốc, Úc

Trao đổi với hãng tin China News Service ngày 6-7 liên quan việc một số nhà phân tích nói rằng Úc "không nên theo Mỹ một cách mù quáng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các nước tấn công Trung Quốc một cách vô cớ sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: KYODO

"Bắc Kinh sẽ không để bất kỳ nước nào hưởng lợi từ việc hợp tác kinh tế nếu như họ cáo buộc, bôi nhọ một cách vô căn cứ và làm suy yếu lợi ích cốt lõi của Trung Quốc dựa trên ý thức hệ" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.

Quan hệ Trung Quốc - Úc đã trở nên căng thẳng từ 4-2020, sau khi Úc có cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19 mà không hỏi ý Bắc Kinh. Để đáp trả, Bắc Kinh đã áp đặt một loạt lệnh cấm không chính thức đối với một số sản phẩm của Canberra, bao gồm than đá, tôm hùm, bông và đường.

Trong năm tháng đầu năm nay, Trung Quốc không nhập khẩu bất kỳ loại than nào từ Úc. Đây được xem là cách Bắc Kinh đáp trả Canberra.

Tuy nhiên, theo ông Triệu, dù Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa để ứng phó tình hình thế giới ngày càng bất ổn, họ vẫn sẽ "mở ra những cơ hội lớn" để hợp tác với các đối tác thương mại. Ông cũng lặp lại cam kết nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 30.000 tỉ USD trong 15 năm tới.

"Tôn trọng lẫn nhau là nền tảng và yếu tố giúp duy trì hợp tác thiết thực giữa các quốc gia" - ông nói thêm.

Không phản hồi chính thức về bình luận của Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg vẫn khẳng định Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của Úc.

"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia rộng lớn hơn lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là phải có ý thức rất rõ ràng và nhất quán về lợi ích quốc gia của chúng tôi ở đâu, và đó là những gì chúng tôi đã làm dưới thời Thủ tướng Scott Morrison" - ông Frydenberg nói thêm.

Sẽ có một "NATO thương mại"?

Những thiệt hại kinh tế mà Úc phải gánh chịu đã làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh.

Tuần trước, các chính trị gia bảo thủ của Anh và một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi thành lập một "NATO về thương mại" để chống lại các hành động kinh tế của Trung Quốc đối với các nước thành viên.

Các quan chức nói trên đã kêu gọi các nền dân chủ thành lập liên minh thương mại dựa trên nền tảng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).  Thành lập năm 1949, theo nguyên tắc của NATO, các thành viên sẽ liên kết bảo vệ lẫn nhau, nếu một hay nhiều thành viên bị tấn công.

"NATO về thương mại" sẽ hoạt động tương tự như vậy. Các quốc gia có thể trả đũa Trung Quốc bằng cách hạn chế nhập khẩu của các công ty nước này nếu chính quyền Bắc Kinh đưa vào danh sách đen bất kỳ thành viên nào của nhóm.

Tuy nhiên, việc liệu các nền dân chủ thống nhất về các vấn đề thương mại có trở thành hiện thực hay không vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Ông Bryan Mercurio, GS luật thương mại quốc tế tại ĐH Hong Kong nhận định: "Ý tưởng rằng các chính phủ sẽ thành lập một liên minh giống như NATO để chống lại các biện pháp thương mại của Trung Quốc chỉ là tưởng tượng".

Theo ông Mercurio, lý do là vì các thành viên trong nhóm có lợi ích quốc gia khác nhau. Đồng thời, sẽ không có một chính phủ nào có thể nói với nông dân rằng họ không thể bán sản phẩm cho Trung Quốc vì chính quyền của họ phải "liên kết với những chính quyền khác cùng lý tưởng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm