Căng thẳng với Trung Quốc kéo dài, Ấn Độ tìm đến Israel

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 24-7 đã điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Gantz để bàn về việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang khẩn cấp nhập khẩu vũ khí từ các đối tác lớn trong đó có Israel nhằm ứng phó với các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Đông Ladakh (Ấn Độ).

Ông Singh đã cập nhật cho phía Israel các diễn biến căng thẳng dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh - nơi các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao Trung - Ấn gần đây đã không tạo được bước đột phá nào trong việc xuống thang căng thẳng.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phát biểu sau buổi điện đàm. Ảnh: TIMESOFINDIA

Thậm chí, Trung Quốc được cho là đã ngừng việc rút quân theo thoả thuận và vẫn duy trì hơn 40.000 quân ở khu vực tranh chấp, theo các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ.

Diễn biến phức tạp ở biên giới đã thúc đẩy Ấn Độ phải tăng tốc mua sắm các loại khí tài quân sự hiện đại bao gồm máy bay chiến đấu, vũ khí không đối đất thông minh, tên lửa, rocket, máy bay không người lái đa nhiệm, hệ thống phòng không, đạn pháo tích hợp hệ thống dẫn đường GPS, đạn dùng cho xe tăng và các loại súng trường tấn công.

“Israel luôn cung cấp cho chúng tôi các công nghệ thích hợp trong lĩnh vực tác chiến điện tử cùng những hệ thống vũ khí mà các quốc gia khác không sẵn lòng chia sẻ”, cựu Thống chế Không quân KK Nohwar, hiện là Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không lực Ấn Độ cho biết.

Chính phủ Ấn Độ đã trao quyền cho quân đội nhanh chóng xúc tiến mua sắm vũ khí và trang thiết bị cấp thiết với tổng giá trị lên đến 3 tỉ rupee (40,1 triệu USD) để đáp ứng các yêu cầu vận hành thiết yếu của họ. Quyết định trên được thông qua tại một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Mua sắm Quốc phòng (DAC) của Ấn Độ vào ngày 15-7 nhằm đẩy nhanh các kênh giao dịch vũ khí quan trọng.

Vào tháng 5, chính phủ Ấn Độ cũng công bố thêm một loạt các biện pháp nhằm tăng cường khả năng tự lực trong lĩnh vực quốc phòng. Trong đó, Ấn Độ cho phép nâng mức trần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí nội địa, đồng thời tạo nguồn vốn ngân sách riêng để mua các phần cứng quân sự được sản xuất trong nước.

Ngoài ra, nước này còn niêm yết danh sách các loại thiết bị và vũ khí không được phép nhập khẩu, tạo điều kiện phát triển Phong trào Ấn Độ Tự lực (Atmanirbhar Bharat Abhiyan) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Với chính sách mới về FDI được điều chỉnh theo hướng tự do hóa, Bộ trưởng Singh mong muốn các công ty quốc phòng Israel tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực hợp tác sản xuất vũ khí ở Ấn Độ, theo tờ Hindustan Times.

Đạn tuần kích thông minh Firefly của Israel. Ảnh: RAFAEL

Ấn Độ đang tìm nguồn cung ứng loại đạn tuần kích thông minh Firefly có khả năng săn tìm mục tiêu trong môi trường tác chiến đô thị từ phía Israel.

Ngoài ra, một hợp đồng trị giá 2 tỷ USD năm 2017 cho thấy Ấn Độ cũng quan tâm đến tổ hợp tên lửa chống tăng đa nhiệm Spike, thiết bị dẫn đường thông minh Spice có thể gắn trên các loại bom tiêu chuẩn và một hệ thống tên lửa đất đối không từ phía Israel, theo nguồn tin từ các quan chức.

Ông Singh cũng đề nghị phía Israel đảm bảo chuyển giao nhanh chóng các khí tài quân sự quan trọng cho Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm