Chi nhánh Foxconn (Thâm Quyến): Vì đâu công nhân nhảy lầu tự tử?

Sáng sớm 27-5 đã xảy ra vụ nhảy lầu tự tử thứ 13 tính từ đầu năm tại Chi nhánh Tập đoàn Foxconn (lãnh thổ Đài Loan) ở Thâm Quyến. Nạn nhân là nữ công nhân bị thương nặng. Tối trước đó, vụ tự tử thứ 12 là một nam công nhân chết tại hiện trường.

Ngày 26-5, chính quyền TP Thâm Quyến đã tổ chức họp báo. Theo phân tích của Thư ký trưởng Thành ủy Lý Bình, nguyên nhân tương đối phức tạp. Về mặt cá nhân, các công nhân đều thuộc thế hệ con một 8x, 9x, tư tưởng và kinh nghiệm sống chưa trưởng thành dẫn đến tâm lý yếu ớt, khả năng đối phó áp lực công việc và cuộc sống kém.

Về mặt công ty, Chi nhánh Tập đoàn Foxconn có tới 430.000 công nhân viên trẻ tuổi sống tập trung một nơi, cộng thêm vấn đề về quản lý, xây dựng văn hóa chưa tốt dễ tạo áp lực tâm lý cho công nhân. Về mặt xã hội, đa số công nhân sống xa nhà trong khi nhà máy chưa quan tâm chăm sóc đầy đủ.

Chi nhánh Foxconn (Thâm Quyến): Vì đâu công nhân nhảy lầu tự tử? ảnh 1

Gia đình nạn nhân Mã Hướng Tiền (tự tử ngày 23-1) quỳ trước cổng nhà máy yêu cầu làm rõ tại sao con em tự tử. Cô chị cầm ảnh và tờ giấy trắng viết chữ Oan. Ảnh: ZAOBAO.COM

Cùng ngày, ông Quách Đài Minh, Chủ tịch Chi nhánh Foxconn tại Thâm Quyến, đã cúi đầu xin lỗi gia đình các nạn nhân và dư luận xã hội. Ông cho biết sắp tới nhà máy sẽ lắp đặt 1,5 triệu m2 lưới an toàn, hiện nhà máy đã lập gần 4.000 tổ tương thân tương ái (50 công nhân mỗi tổ), đã tuyển 70 bác sĩ tâm lý và đang bồi dưỡng hơn 100 công nhân làm nhân viên tư vấn tâm lý tình nguyện.

Người phát ngôn của Foxconn Lưu Khôn cho biết từ đầu năm đã có cơ chế thưởng cho người báo tin các ca tâm lý không bình thường với mức thưởng từ 200 đến 500 nhân dân tệ (từ 550.000 đến gần 1,4 triệu đồng VN) và đến tháng 4 đã ngăn chặn hơn 20 ca định tự tử.

Phóng viên Lưu Chí Nghị của báo Nam Phương cuối tuần đã giả vào nhà máy làm công nhân, qua đó biết mỗi tháng công nhân phải ký bản cam kết tự nguyện làm thêm giờ. Trung bình mỗi tháng giờ làm thêm đều trên 120 giờ, như vậy mỗi ngày làm thêm bốn giờ.

Với chiêu ký cam kết, chủ đã lách quy định giới hạn 36 giờ làm thêm mỗi tháng theo luật. Phần lớn công nhân đều ký cam kết bởi lương cơ bản mỗi tháng chỉ 900 nhân dân tệ (gần 2,5 triệu đồng VN). Nếu làm thêm giờ, lương có thể tới 1.600 nhân dân tệ (4,4 triệu đồng VN).

Để kiếm được nhiều tiền, công nhân cố làm thêm giờ như người máy. Họ bị áp lực nhiều nhất là đối phó với bẫy kiểm tra do quản lý cố tình tạo ra sai sót trên dây chuyền sản xuất. Nếu công nhân không phát hiện sẽ bị xử phạt.

Tóm lại, vòng quay cuộc sống của công nhân chỉ có ngủ và làm việc. Các hoạt động ngoại khóa trong nhà máy hoàn toàn không có.

- Ngày 26-5, Công an TP Thâm Quyến đã tìm thấy di thư của Lý Hải 19 tuổi (nạn nhân thứ 11 tự tử ngày 25-5). Thư có đoạn viết rằng anh cảm thấy cuộc sống thực tế khác xa kỳ vọng về tương lai. Anh cảm thấy ngoài áp lực về hoàn cảnh gia đình thì nay đã mất niềm tin về cuộc sống.

- Trong nhật ký ngày 26-10-2009, Lư Tân 24 tuổi (nhảy lầu tự tử ngày 6-5) viết: “Vì mục đích kiếm nhiều tiền, mình đã bỏ qua nghề nghiệp yêu thích nhất. Mình hiểu rằng bước đi đầu đời của mình là sai lầm…”. Trong trang nhật ký cuối cùng ngày 4-3, Lư Tân viết: “Nếu có thể, ngày nào mình cũng muốn hát. Tuổi thanh xuân dần trôi, 24 tuổi rồi mà mình vẫn trắng tay!”.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm