Chiền dịch đóng cửa Bangkok: Lãnh đạo biểu tình bị truy nã

Thông tấn xã Thái Lan đưa tin ngày 16-1, phát biểu trên truyền hình, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul đã kêu gọi người dân không hợp tác với lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban vì ông này đang bị truy nã về tội gây bạo loạn.

Ông khẳng định sự kiện ông Suthep Thaugsuban đe dọa bắt giữ thủ tướng và các bộ trưởng là hành động ngạo mạn và có thể đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ. Ông cho biết cảnh sát hoàng gia đã thành lập một đội đặc nhiệm để truy lùng và bắt giữ ông Suthep Thaugsuban.

Ông nhận định do những người biểu tình chiếm Vụ Lãnh sự trên đường Chaeng Wattana, 16.000 người không thể nộp đơn xin cấp hộ chiếu.

Người biểu tình khóa cửa phòng họp tại Bộ Y tế ở tỉnh Nonthaburi ngày 16-1. Ảnh: REUTERS

Trả lời báo chí ngày 16-1, Giám đốc Cảnh sát Adul Saengsingkaew ghi nhận cảnh sát cần phải thận trọng trong việc bắt giữ lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban bởi ông lo ngại nhất là bên thứ ba trà trộn vào người biểu tình để kích động bạo lực.

Theo thông tin cảnh sát nắm được, ông Suthep Thaugsuban thường di chuyển với đoàn xe tám chiếc và 40 vệ sĩ hộ tống. Ông lưu trú tại một khách sạn ở giao lộ Rajaprasong thuộc quận Pathum Wan (Bangkok).

Cùng ngày, theo báo The Nation (Thái Lan), lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân sẽ đấu tranh đến khi giành thắng lợi. Nếu cảnh sát muốn bắt giữ tôi như giám đốc cảnh sát hoàng gia tuyên bố thì cứ việc. Tôi sẵn sàng chống trả”.

Rạng sáng 16-1, biệt thự của ông Issara Somchai, một lãnh đạo của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân, ở quận Laksi bị ném bom nhưng không ai bị thương. Ông không có mặt ở biệt thự vào lúc đó. Ông tuyên bố có âm mưu sát hại ông vì ông tham gia lãnh đạo biểu tình.

Trong ngày, hàng ngàn người biểu tình đã kéo đến bao vây Bộ Y tế ở tỉnh Nonthaburi (sát Bangkok) và yêu cầu các nhân viên của bộ nghỉ việc.

Trong khi đó, khoảng 500 người tuần hành từ Công viên Lumpini đến bao vây các văn phòng của Cục Thuế ở Bangkok. Sau đó, họ cử đại diện vào các văn phòng và yêu cầu các cán bộ nghỉ làm.

Theo hãng tin Reuters, số người biểu tình cắm trại qua đêm ở bảy địa điểm biểu tình chính tại Bangkok đã giảm. Người biểu tình không còn hăng hái phong tỏa đường sá. Hãng tin AP nhận định lãnh đạo biểu tình tổ chức tuần hành nhằm lên dây cót cho người biểu tình.

Trả lời hãng tin Reuters, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra nói: “Người dân thấy rằng các yêu cầu của người biểu tình là bất khả thi theo luật và hiến pháp. Đó là lý do tại sao số người ủng hộ đang giảm”.

Bà đã chủ trì diễn đàn cải cách quốc gia tại trụ sở không quân hoàng gia với sự tham dự của đại diện bảy tổ chức khu vực tư nhân và 18 tổ chức liên kết với bảy tổ chức này.

Phát biểu tại diễn đàn, bà cam kết chính phủ sẽ không tham gia soạn thảo lộ trình cải cách quốc gia. Bà nói chính phủ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất cải cách từ mọi bên, trong đó có Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân.

LÊ LINH

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 16-1 dẫn các nguồn tin từ phe biểu tình áo đỏ (ủng hộ chính phủ) cho biết phe áo đỏ đã ém vũ khí và đạn dược ở Bangkok và các khu vực lân cận trong nhiều tháng qua. Các nguồn tin cho biết vũ khí này không phải được dùng để tấn công người biểu tình chống chính phủ mà chỉ để trả đũa nếu có xảy ra đảo chính hay bất cứ thế lực nào ép buộc các cơ quan chính phủ và nhà nước phải hoãn tổng tuyển cử ngày 2-2.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm