Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Tuần hành trước ngày hành động

Theo kế hoạch của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân, ngày 13-1, phe biểu tình chống chính phủ sẽ tập trung tại bảy địa điểm ở thủ đô Bangkok, sau đó tuần hành tới các văn phòng trực thuộc chính phủ để yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 12-1 đưa tin hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ đã được điều động đến các khu vực trọng yếu nhằm duy trì trật tự trước chiến dịch đóng cửa Bangkok. Đại học Chulalongkorn đã thông báo đóng cửa trong ba ngày từ ngày 13-1.

Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban cho biết đã phối hợp với Sở Cảnh sát Bangkok bố trí 20 nhà vệ sinh công cộng vào ngày 13-1.

Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban phát biểu trước những người biểu tình chống chính phủ ngày 12-1. ảnh: BANGKOK POST

Ông Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ rút lui nếu xảy ra bạo động nghiêm trọng. Ông nói: “Cuộc sống của người dân rất quý giá. Nếu ai đó khơi màu nội chiến, tôi sẽ kêu gọi người dân trở về nhà”.

Trong khi đó, người phát ngôn Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân thông báo sẽ phối hợp với cảnh sát dành các tuyến đường riêng phục vụ hoạt động vận tải và khẩn cấp. Ông bác bỏ tin đồn phe biểu tình chống chính phủ sẽ phong tỏa hai sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang cùng các dịch vụ vận tải công cộng.

Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử quốc gia cho biết đã trình thư đề nghị khẩn cấp lên Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra yêu cầu xem xét hoãn bầu cử đến ngày 4-5. Thư đề nghị được năm ủy viên Ủy ban Bầu cử quốc gia ký.

Trong khi đó, nội các cho hay sẽ xem xét ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm xoa dịu biểu tình. Tuy nhiên, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân tuyên bố sắc lệnh này là vô nghĩa bởi mục tiêu của phe biểu tình là yêu cầu bà Yingluck Shinawatra từ chức.

Nguyên lãnh đạo Đảng Dân chủ Bhichai Rattakul đã kêu gọi bà Yingluck Shinawatra từ chức để tránh khủng hoảng. Ông đề nghị thành lập nội các mới trong vòng 18 tháng, nội các mới sẽ phụ trách soạn thảo hiến chương mới và kêu gọi bầu cử trong vòng 45 ngày tính từ ngày ban hành hiến chương và sau khi trưng cầu dân ý.

Tư lệnh lục quân hoàng gia Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu giới truyền thông ngừng đưa tin về đảo chính. Ông nói quân đội không can thiệp trước biểu tình ngày 13-1.

Trong ngày 12-1, những người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành trên các đường phố. Họ tuần hành từ đại lộ Ratchadamnoen đến giao lộ Lat Phrao và dựng lều tại khu vực này. Chiều cùng ngày, họ bao vây dinh thự của bộ trưởng Nội vụ, dinh thự của bộ trưởng Lao động tạm quyền, phong tỏa giao lộ Lat Phrao.

Bà Isabelle Arradon, Phó Giám đốc đặc trách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã kêu gọi chính phủ Thái Lan và lãnh đạo các nhóm biểu tình tôn trọng và bảo vệ nhân quyền trong biểu tình.

Bà cảnh báo nguy cơ xảy ra chết người và bị thương. Bà đề nghị lực lượng an ninh cần bảo đảm biểu tình ôn hòa, sử dụng biện pháp phi bạo lực và kiềm chế, đồng thời bảo đảm bồi thường nếu xảy ra chết người.

DUY KHANG

10 giờ sáng 12-1, khoảng 1.000 người ủng hộ Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (ủng hộ chính phủ) đã biểu tình tại tỉnh Nonthaburi để phản đối chiến dịch đóng cửa Bangkok. Họ huy động ba xe tải, thiết bị âm thanh và 200 xe máy. Kế hoạch của những người biểu tình là xuất phát tuần hành từ cầu Phra Nang Klao vào chiều cùng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm