Chống COVID-19: Các nước tung gói cứu trợ khổng lồ

Thời gian qua, đại dịch toàn cầu COVID-19 tiếp tục lây lan, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới bởi các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới. Ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch, sản xuất, dịch vụ. Nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế đang được các quốc gia gấp rút thực hiện.

Mỹ tung gói cứu trợ 2.000 tỉ USD lịch sử

Theo tờ The Hill, sau các cuộc đàm phán xuyên đêm giữa lãnh đạo Thượng viện và Nhà Trắng, dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỉ USD đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối 90 phiếu thuận, 0 phiếu chống ngày 26-3 (giờ Việt Nam). Dự luật dự kiến được chuyển sang Hạ viện xem xét ngày 27-3, sau đó trình lên Tổng thống Trump ký phê chuẩn nếu được thông qua. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bật đèn xanh ủng hộ dự luật này.

Được biết đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, vượt gói kích thích 800 tỉ USD được thông qua dưới thời Tổng thống Barack Obama để đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2008, hay trước đó là gói cứu trợ 700 tỉ USD được Tổng thống G.W. Bush ký ban hành năm 2003.

Đối với đối tượng là công nhân Mỹ, người có thu nhập dưới 75.000 USD/năm, hoặc những người không có thu nhập, hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD. Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ thất nghiệp trị giá 250 tỉ USD với thời hạn tối đa bốn tháng.

Đáng chú ý, phần phân bổ lớn nhất trị giá 500 tỉ USD sẽ dành cho các công ty, tập đoàn quy mô lớn, dưới hình thức các khoản vay, bảo lãnh, đầu tư dưới sự giám sát của Bộ Tài chính với thời hạn không quá năm năm và không được xóa nợ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng gói hỗ trợ 350 tỉ USD.

140 tỉ USD trong gói cứu trợ cũng sẽ được dùng để tăng cường hệ thống y tế Mỹ. 100 tỉ USD sẽ được bơm trực tiếp cho các bệnh viện để mua trang thiết bị y tế. Số còn lại sẽ được sử dụng để mua đồ bảo hộ cho nhân viên và hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí.

Một khi được ban hành, gói cứu trợ cũng sẽ dành 450 triệu USD cho Chương trình hỗ trợ lương thực khẩn cấp, khoảng 350 triệu USD dành để mua lương thực bổ sung và 100 triệu USD được dùng để phân phối.

Giới phân tích nhận định gói hỗ trợ được thông qua khá kịp thời nhưng chưa đủ để ngăn chặn tác động kinh tế ngắn hạn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng mà dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế Mỹ. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nhìn nhận gói cứu trợ phù hợp cho tình hình hiện nay nhưng chỉ là giải cứu tạm thời, chưa thể gọi là gói kích thích khi mà chưa biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu.

Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc về các vấn đề lập pháp Nhà Trắng Eric Ueland và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows có mặt tại trụ sở Quốc hội Mỹ để thảo luận lần cuối gói cứu trợ 2.000 tỉ USD ngày 24-3. Ảnh: CNBC

Đức tung 1.200 tỉ USD cứu nền kinh tế

Cũng trong ngày 26-3 (giờ Việt Nam), Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ kinh tế quy mô nhất kể từ Thế chiến II trị giá lên tới gần 1.100 tỉ euro (khoảng 1.200 tỉ USD), theo đài DW.

Trong số tiền trên, Berlin cho thành lập một quỹ bình ổn kinh tế cung cấp gần 440 tỉ USD thanh khoản cao để hỗ trợ doanh nghiệp lớn nước này trả nợ. Chính phủ liên bang cũng đang đề nghị hỗ trợ 55 tỉ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nào không đủ khả năng trả lương cho nhân viên sẽ được chính phủ hỗ trợ với mức 60% tiền lương cho mỗi nhân viên không có con và 67% với nhân viên đã có con.

Gói cứu trợ còn bao gồm 3,8 tỉ USD dùng để mua thêm trang thiết bị y tế, đồng thời hỗ trợ công cuộc phát triển vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Khoảng 60 tỉ USD vẫn còn có thể được huy động trong trường hợp khẩn cấp nhằm bổ sung nguồn lực chống lại dịch bệnh.

Ngoài ra, Berlin cũng chi gần 11 tỉ USD để trợ cấp cho khoảng 2,15 triệu người bị doanh nghiệp cho thôi việc, chiếm phần lớn lao động trong các ngành như công nghiệp cơ khí, điện tử và ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Trong vòng sáu tháng tới, quy trình xét hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp sẽ tạm thời bỏ qua phần kiểm tra tài sản và kiểm tra mức thanh toán tiền nhà hằng tháng. Việc xem xét cấp các khoản tiền trợ cấp dành cho trẻ em cũng sẽ được đơn giản hóa. Nếu các cha mẹ buộc phải nghỉ ở nhà để trông con thì cũng sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ.

Đối với những người không đủ khả năng trả tiền thuê nhà cũng sẽ được chính phủ hỗ trợ trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến 30-9. Điều kiện bắt buộc là người thuê nhà bị cấm hủy hợp đồng thuê nhà và thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đầy đủ.

Tính đến 20 giờ ngày 26-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn cầu có 21.464 người tử vong vì COVID-19, 468.680 ca nhiễm. Đại dịch đã lan ra hơn 198 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, 105.709 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. 

Ấn Độ chi mạnh 23 tỉ USD cứu trợ

Ngày 26-3, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmana Sitharaman chính thức công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỉ rupee (23 tỉ USD) nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters. Ấn Độ là đại diện Nam Á duy nhất tung gói hỗ trợ chống dịch quy mô lớn và nằm trong số ít nước châu Á vượt mốc 20 tỉ USD cứu trợ.

Được biết gói cứu trợ nói trên sẽ tiến hành theo hai cách: Trao tiền mặt trực tiếp và thông qua các biện pháp hỗ trợ về lương thực. Trước mắt, hai triệu nhân viên y tế Ấn Độ tại tuyến đầu chống dịch sẽ được nhận bảo hiểm y tế trị giá 66.400 USD/người. Khoảng 800 triệu người dân Ấn Độ sẽ được chính phủ hỗ trợ miễn phí gạo hoặc lúa mì đầy đủ mỗi tháng trong vòng ba tháng tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng trị giá của gói cứu trợ này chỉ chiếm khoảng 1% GDP của Ấn Độ, một tỉ lệ khá khiêm tốn nếu so sánh với Mỹ (xấp xỉ 10%) và Đức (xấp xỉ 20%). Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu tiên và trong tương lai Ấn Độ có thể sẽ công bố thêm nhiều gói kích thích kinh tế hay hỗ trợ khác.

Singapore tung gói kích cầu 33 tỉ USD

Tương tự các nước khác trong khu vực, Singapore ngày 26-3 cũng công bố gói kích cầu kinh tế thứ hai trị giá 33 tỉ USD, nâng tổng quy mô gói cứu trợ lên 55 tỉ USD để đối phó với dịch COVID-19. Đây cũng là lần đầu tiên nước này dùng đến dự trữ quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo hãng tin Bloomberg, các biện pháp nằm trong gói kích thích bao gồm loại bỏ thuế tài sản đối với các nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại và hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chính phủ cũng hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, hoãn thu phí và lệ phí trong vòng một năm, hoãn thanh toán và trả lãi các khoản vay sinh viên và nợ thế chấp nhà ở công cộng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm