Chống COVID-19: Giải mã ‘ngoại giao y tế’ của Việt Nam

Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam (VN) đã đến Mỹ hôm 8-4. Hơn ba tháng qua, VN không chỉ nỗ lực chống đại dịch trong nước mà còn hợp tác với các nước khác để phối hợp chống dịch hiệu quả ở phạm vi rộng.

Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao (ảnh) đã có những chia sẻ về chiến lược ngoại giao của VN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tầm nhìn hậu đại dịch.

Việt Nam triển khai “ngoại giao y tế

. Phóng viên: Đại sứ nhận định thế nào về việc chống dịch tại VN đến lúc này?

Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao

+ Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Là nước còn yếu về kinh tế, hạ tầng y tế nhưng VN đã có một chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả với mức chi phí kinh tế thấp nhất. Thành quả này là sự kết hợp nhiều yếu tố: Từ sự chỉ huy quyết liệt ngay từ sớm của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, kiểm soát cách ly chặt chẽ, cung cấp thông tin minh bạch, tuyên truyền sâu rộng và sử dụng công nghệ cao.

. Hãng tin Reuters(Anh) sau sự kiện VN phối hợp với Mỹ sản xuất đồ bảo hộ y tế dùng khái niệm “ngoại giao mùa dịch Corona” dành cho VN. Đại sứ đánh giá thế nào về ngoại giao VN giai đoạn chống dịch?

+ Ngoại giao VN được xây dựng trên ba trụ cột: Ngoại giao chính trị an ninh, ngoại giao phục vụ kinh tế và ngoại giao văn hóa. Trong đại dịch COVID-19, cùng với Chính phủ và nhân dân, ngoại giao VN đã thực hiện một nhiệm vụ mới - ngoại giao sức khỏe (hay y tế). Vai trò của ngoại giao VN trong đại dịch được thể hiện trong ba giai đoạn chống dịch (việc phân chia này chỉ mang tính tương đối).

Gắn kết Việt Nam và thế giới chống dịch

. Giai đoạn một là gì, thưa đại sứ?

+ VN đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng con người lên hàng đầu khi chống dịch. Từ khi có dịch vào tháng 1 đến ngày 25-3, ngoại giao VN tập trung hai nhiệm vụ: (i) Tham vấn Chính phủ về điều tiết quy mô và thời điểm đóng dần các cửa khẩu, không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, kinh tế và (ii) làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Các cơ quan đại diện ngoại giao VN đã hỗ trợ giải cứu hàng ngàn người Việt mắc kẹt ở các sân bay nước ngoài về VN an toàn. Các yêu cầu tuân theo chỉ dẫn và hợp tác với các cơ quan chức năng nước sở tại được đưa ra cho người Việt. VN không chỉ chăm lo cho người dân mà cả người nước ngoài tại VN. Cựu đại sứ Pháp tại Hà Nội Jean-Noel Poirier, một bệnh nhân COVID-19, đã có những lời cảm tạ.

Ngoại giao VN đã vận động sự hỗ trợ quốc tế và cả Việt kiều. Mỹ ủng hộ 3 triệu USD; Nhật Bản hỗ trợ 200 triệu yen; Hàn Quốc hỗ trợ sinh phẩm, bộ kit chẩn đoán nhanh, trang thiết bị xét nghiệm. Quỹ Temasek của Singapore tặng 10 máy thở. VinGroup là một trong ba công ty trên thế giới được Mỹ chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở. Ngoại giao VN đã hỗ trợ đưa hình ảnh VN đồng lòng chống dịch với thế giới thông qua giới thiệu “Ghen Co vy”, các tranh cổ động, thông báo của Bộ Y tế…

Lô hàng đồ bảo hộ y tế đầu tiên chuyển từ VN sang Mỹ. Ảnh: FEDEX

Hỗ trợ xuất khẩu y tế

. Qua giai đoạn hai, ngoại giao VN ra sao?

+ Giai đoạn này VN vừa đấu tranh kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa thể hiện hình ảnh là người bạn có trách nhiệm của thế giới. Các lô hàng thiết bị y tế sản xuất tại VN đã được xuất khẩu sang Mỹ; 20 nước nhập khẩu bộ kit xét nghiệm nhanh tại VN. Vật tư y tế được hỗ trợ cho các nước châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga) và bạn bè khu vực (Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia).

Đây là hành động mang tính nhân đạo, hợp tác quốc tế, chung tay đẩy lùi dịch bệnh như sự kêu gọi của Liên Hiệp Quốc. Quan trọng hơn, đây không phải là một chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” tạm thời, mà là sự tiếp nối truyền thống. Trước đây, VN đã trợ giúp Nhật Bản, Indonesia chịu tác hại động đất; từng tặng vật tư, trang thiết bị y tế cho Trung Quốc từ những ngày đầu dịch bùng phát ở Vũ Hán.

Giá trị lô hàng VN tuy không lớn nhưng đến từ sự chân thành, chia sẻ hoạn nạn rất kịp thời. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết lời cám ơn “những người bạn ở VN”. Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cám ơn người dân VN và sự hào hiệp của họ trong thời khắc này. VN đã dành được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế.

Ngoại giao cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn cung, “biến nguy thành cơ”. VN hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm cung cấp thiết bị y tế mới có chất lượng.

. Đại sứ có lưu ý gì về vai trò VN ở ASEAN và Liên Hiệp Quốc?

+ Năm nay, VN đồng thời là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và chủ tịch ASEAN. Dù bị ảnh hưởng từ dịch nhưng VN luôn chủ động sáng kiến. Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về chống dịch diễn ra hôm 4-4 theo sáng kiến của VN và tám nước không thường trực. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn VN tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và phối hợp đa phương trong đại dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo ASEAN đã có những kế hoạch quan trọng và kêu gọi thế giới ủng hộ nỗ lực này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp ASEAN-EU ngày 20-3 khẳng định VN sẽ điều phối chặt chẽ với các thành viên khác, thúc đẩy lập trường toàn diện cho tất cả cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch. Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò chủ tịch Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 đã kêu gọi quốc hội các nước đồng lòng với các chính phủ ASEAN chống dịch… Quỹ phòng, chống COVID-19 đang hình thành dưới sự chủ tọa của chủ tịch ASEAN.

Theo Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, bài học COVID-19 cho thấy toàn cầu hóa là cần thiết nhưng cần được kiểm soát. Nền kinh tế quốc gia cần độc lập, tự cung ứng ở mức độ nhất định. Sau dịch, toàn cầu hóa bước sang giai đọan 2.0. Khi đó, VN và ASEAN có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư cùng việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng của nền kinh tế thế giới nếu có kế hoạch tốt. Uy tín VN trên trường quốc tế được nâng cao, trở thành nước có trách nhiệm hơn nữa trên diễn đàn quốc tế. 

Tâm thế giới sau đại dịch

. Trong giai đoạn ba, ngoại giao VN sẽ thế nào?

+ Ngoại giao VN đang chuẩn bị cho giai đoạn ba, sống chung với dịch và hậu COVID-19, tức là VN vừa phải phòng chống bệnh, vừa phải duy trì sản xuất. Giống như sau khủng hoảng kinh tế năm 2007 mà VN là nước may mắn thoát hiểm, lần này VN bước ra khỏi đại dịch COVID-19 với một tâm thế mới. Có năm nhiệm vụ mà ngoại giao VN giai đoạn tới cần đảm bảo.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác ở tất cả cấp độ (quốc tế, khu vực, tiểu khu vực); với tất cả quốc gia, các tổ chức quốc tế để có hành động chung tốt nhất.

Thứ hai, có tầm nhìn, kế hoạch thành lập cơ chế thường trực ở ASEAN, ASEAN+3, ASEAN+EU, quỹ đối phó dịch bệnh chung nhằm phục vụ các lợi ích và công tác phòng, chống dịch lâu dài.

Thứ ba, mở cửa có kiểm soát các cửa khẩu biên giới, tuyên truyền khắc phục các thái độ sợ hãi và kỳ thị, bảo đảm đi lại và thương mại sớm nhất có thể, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho cả người dân trong nước lẫn ở nước ngoài, bảo đảm thông tin minh bạch cho toàn dân.

Thứ tư, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế cơ cấu lại tổ chức, hành chính, kinh tế, sẵn sàng với các chuyển biến của toàn cầu hóa 2.0; biến thách thức thành cơ hội, trợ giúp doanh nghiệp tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới, đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0, 5.0, chuyển mạnh sang nền kinh tế dựa trên nông nghiệp, thương mại số và thanh toán điện tử. Cuối cùng, nâng cao vai trò lãnh đạo ASEAN, là quốc gia có trách nhiệm trong các hoạt động chính trị thế giới.

Ngoại giao ở biển Đông mùa dịch

Trong đại dịch, VN vẫn tập trung bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình trên biển Đông. Ngày 30-3, VN đã khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp trên thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

VN cũng phản bác mạnh mẽ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá VN ở Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc xin lỗi và bồi thường. Tinh thần cảnh giác được nâng cao nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động nào lợi dụng đại dịch để triển khai các hoạt động kiểm soát trái phép biển Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm