Chủ nhân Nobel Hòa bình 2021 chia sẻ về cuộc ‘đấu tranh cho sự thật’ của nhà báo

Nhà báo Philippines Maria Ressa - chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2021 - ngày 9-10 chia sẻ rằng giải thưởng mà bà vinh dự được trao là sự công nhận đối với vai trò của các nhà báo trong một "thế giới mà sự thật đã trở thành tranh luận".

Bà Ressa chia sẻ quan điểm trên trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Channel News Asia (CNA) hôm 9-10.

Ngày 8-10, nhà báo Ressa và ông Dmitry Muratov – tổng biên tập tờ Novaya Gazeta của Nga – đã được trao giải Nobel Hòa bình 2021 "vì sự dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga".

Nhà báo Philippines Maria Ressa trong cuộc phỏng vấn của CNA. Ảnh: CNA

Sự công nhận đối với vai trò của nhà báo

“Đối với các nhà báo trên toàn thế giới, chúng tôi thấy mình đang ở trong những tình huống ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều, để tiếp tục làm công việc của mình” – bà Ressa nói với CNA.

"Đây là sự công nhận toàn cầu về vai trò của các nhà báo trong việc sửa chữa, đấu tranh cho sự thật, trong một thế giới mà sự thật đã trở thành tranh luận" – bà Ressa nói thêm.

Bà Ressa là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của trang tin trực tuyến Rappler từ năm 2012. Kể từ đó, Rappler trở nên nổi bật nhờ các báo cáo điều tra, gồm cả cuộc điều tra về cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Đã có một số vụ kiện nhằm vào bà Ressa. Theo nữ giám đốc Rappler, bà bị nhằm vào vì những báo cáo chỉ trích của Rappler về Tổng thống Duterte. 

Hồi tháng 6-2020, bà Ressa đã bị tòa án Manila tuyên có tội trong vụ kiện về tội phỉ báng trên mạng của doanh nhân Wilfredo Keng liên quan một bài báo trên Rappler được xuất bản năm 2012.

Bài báo bị cáo buộc bôi nhọ được xuất bản khi dự luật hình sự hóa tội phỉ báng trên mạng chưa được ký thành luật. Bà Ressa đã không viết bài báo, nhưng được chỉ định là giám đốc điều hành của Rappler.

Bà Ressa phải đối mặt án tù sáu năm nhưng đã kháng cáo phán quyết.

"Vai trò người gác cổng" của nền tảng công nghệ

Chia sẻ với CNA, bà Ressa nói rằng các nhà báo đã "mất vai trò người gác cổng vì các nền tảng công nghệ", đồng thời nói thêm rằng các nền tảng này đã "thoái thác phần lớn trách nhiệm trong việc bảo vệ không gian công (public sphere)".

"Các nền tảng cung cấp tin tức thiên vị đối với sự thật và thiên vị đối với các nhà báo” – bà Ressa bày tỏ.

Nhà báo Philippines Maria Ressa. Ảnh: AFP

"Nếu bạn không có sự thật, bạn không thể có sự thật, bạn không thể có lòng tin. Nền dân chủ đang có nguy cơ" – nhà báo này nói thêm.

Bà Ressa nhấn mạnh rằng "bất kỳ nỗ lực nào của con người đều trở nên gần như không thể" nếu không có sự thật, và các mối đe dọa toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu là những điển hình về nguy cơ đối mặt thông tin sai lệch.

Bầu cử Philippines: “Cuộc đấu cho sự thật”

Cuộc bầu cử sắp tới ở Philippines vào tháng 5-2022 sẽ đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Duterte.

Trao đổi với CNA, bà Ressa nói rằng các cuộc thăm dò sắp tới sẽ là "một cuộc chiến giành sự thật".

"Chúng tôi sẽ không có sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử nếu không có các ‘lan can bảo vệ’ được đặt trên mạng xã hội" – bà Ressa cho hay.

Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng việc mình đoạt giải Nobel sẽ "tiếp thêm lửa" và truyền cảm hứng cho các nhà báo trẻ. 

"Trong khoảng thời gian đó [kể từ khi Rappler được thành lập], chúng tôi đã thấy thế giới thay đổi mạnh mẽ như thế nào. Nhưng những gì chúng tôi thấy bây giờ, là một nền báo chí mất lửa, báo chí buộc bạn phải xác định giá trị của mình chính là loại báo chí tốt nhất" – bà Ressa nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm