'Chúng tôi dùng kỷ luật nghiêm ngặt để quản lý đảng viên'

Mục đích của cuộc họp báo này là giới thiệu về kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XII Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua.

Theo bà Hồng, qua hội nghị này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra 13 nhiệm vụ lớn. Trong đó, vấn đề quan trọng là kiên trì và hoàn thiện hệ thống chế độ lãnh đạo của Đảng.

“Đông đảo nhân dân thì luôn có suy nghĩ đa dạng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Ngay cả lợi ích trung ương với địa phương, mỗi cơ quan chức năng đều có thể xuất phát từ lợi ích cục bộ mà mâu thuẫn, không thống nhất hành động được. Cho nên chỉ có sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng mới hài hòa lợi ích các tầng lớp nhân dân, các địa phương với trung ương” - bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dày công mới có được ngày hôm nay nhưng Đảng luôn chân thành thừa nhận vai trò cầm quyền của mình không phải tự nhiên mà có. Đảng cũng không đương nhiên mãi mãi được người dân ủng hộ nếu quên mất sứ mệnh của mình, trở nên tham nhũng, không chăm lo được quyền lợi của nhân dân. Lúc ấy, Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền.

Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 lần này, Đảng nhấn mạnh quản trị Đảng phải nghiêm ngặt. Theo đó, tập trung vào phòng chống tham nhũng, cải thiện phong cách làm việc của đảng viên.

Bà Hồng chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết là một số đảng cầm quyền qua một thời gian cầm quyền thì dần dầnnguy cơ mất quyền lãnh đạo giảm đi, cảm thấy có thể ngồi để hưởng thụ thành quả phát triển. Quan chức cao cấp thì không làm việc, suy nghĩ đến lợi ích của người dân nữa mà chỉ lo lợi ích của mình, rơi vào bẫy tham nhũng. Họ trở nên không làm việc, chỉ nói suông, hay làm vì thành tích của mình hơn... Chính vì thế chúng tôi dùng kỷ luật nghiêm ngặt để quản lý đảng viên. Khẩu hiệu là: Đối với đảng viên, kỷ luật đảng nghiêm hơn luật pháp. Cán bộ càng cao cấp càng phải gương mẫu, càng phải kỷ luật nghiêm ngặt”.

Trả lời câu hỏi của báo chí Việt Nam về quan hệ hai nước, nhất là vấn đề biển Đông, Đại biện Doãn Hải Hồng nói: “Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung Quốc đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết”.

Về quan hệ kinh tế, thương mại, bà Hồng thừa nhận những lo ngại, băn khoăn của Việt Nam khi nhập siêu từ Trung Quốc còn rất lớn: “Chúng tôi đang dùng nhiều biện pháp để tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam. Như vừa rồi đã cùng hoàn tất các thủ tục để sữa cùng chín loại hoa quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thuận lợi. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang cũng tăng rất mạnh. Hiện hai nước đang tiến hành kỳ họp thứ tám, vòng đàm phán thương mại để giải quyết các vấn đề xuất nhập khẩu”.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ mong muốn phía Việt Nam sớm đưa Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Trung đi vào hoạt động. Đây là công trình do phía Trung Quốc tặng nước láng giềng với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu nhân dân tệ, tương đương gần 1.000 tỉ đồng, bàn giao cho Việt Nam trong dịp Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam tháng 11-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm