Chương trình tuyệt mật Mỹ bảo vệ kho hạt nhân Pakistan

Tuy nhiên, với tình hình chính trị bất ổn hiện nay, ngày càng có nhiều tranh cãi về việc Washington đã làm đủ hay chưa để bảo vệ các đầu đạn và phòng thí nghiệm hạt nhân của Pakistan. Một câu hỏi nữa là việc Pakistan miễn cưỡng tiết lộ các chi tiết quan trọng về kho vũ khí này có làm giảm hiệu quả của những nỗ lực an ninh mà Mỹ đang tiến hành hay không.

Đầu đạn hạt nhân chiến lược M61 với sức công phá 10-350 kiloton

Đầu đạn hạt nhân chiến lược M61 với sức công phá 10-350 kiloton

Viện trợ của Mỹ tập trung vào việc huấn luyện các nhân sự Pakistan tại Mỹ và xây dựng một trung tâm huấn luyện an ninh hạt nhân ở Pakistan - một cơ sở mà các quan chức Mỹ cho biết còn lâu mới hoàn thành mặc dù theo dự kiến cơ sở này sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Một loạt các thiết bị, từ trực thăng, kính nhìn đêm cho tới máy dò hạt nhân - đã được cung cấp cho Pakistan để giúp nước này bảo vệ nhiên liệu, đầu đạn hạt nhân cũng như các phòng thí nghiệm liên quan.

Mặc dù các quan chức Mỹ tin rằng kho vũ khí này hiện vẫn an toàn và Pakistan đã cam kết cải thiện mạnh mẽ an ninh tại các địa điểm hạt nhân, song trong nhiều trường hợp Chính phủ Pakistan vẫn miễn cưỡng không tiết lộ với Mỹ các thiết bị viện trợ thực tế đã được sử dụng ở đâu và như thế nào. Nguyên nhân là Pakistan không muốn tiết lộ vị trí của kho vũ khí hạt nhân, số lượng hoặc loại nhiên liệu hạt nhân với phẩm cấp có thể dùng trong chế tạo bom mà nước này đang sản xuất.

Sáu năm dang dở

Chương trình này của Mỹ được thiết lập sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, khi chính quyền Bush tranh cãi liệu có nên chia sẻ với Pakistan một trong những bí mật của Mỹ về công nghệ bảo vệ vũ khí hạt nhân hay PALS - một hệ thống đảm bảo vũ khí hạt nhân sẽ không phát nổ nếu không có mật mã đúng và lệnh cho phép. Cuối cùng, chính quyền Bush đã quyết định không thể chia sẻ hệ thống này với Pakistan do những hạn chế về mặt luật pháp, mặc dù trong quá khứ Mỹ đã trợ giúp Nga và Pháp về một số khía cạnh nhạy cảm của an ninh hạt nhân.

Ngoài ra, Pakistan nghi ngờ rằng mọi công nghệ Mỹ trong đầu đạn hạt nhân của họ có thể chứa một thiết bị hủy diệt bí mật, giúp Mỹ vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Pakistan. Nhiều chuyên gia hạt nhân trong chính quyền liên bang muốn cung cấp cho Pakistan hệ thống PALS do họ coi kho vũ khí của Pakistan là một trong những kho vũ khí dễ bị bọn khủng bố tấn công nhất. Tuy vậy, một số quan chức lo sợ chia sẻ công nghệ này sẽ đồng nghĩa với việc dạy Pakistan quá nhiều về vũ khí Mỹ. Những mối lo ngại tương tự đã làm chính quyền Clinton quyết định không chia sẻ công nghệ này với Trung Quốc vào đầu những năm 1990.

Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng kho vũ khí hạt nhân của Pakistan đang được bảo vệ tốt. ’’Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy an ninh của những thứ vũ khí này đang gặp nguy hiểm, và chúng tôi rất cảnh giác’’, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng, phát biểu tại một cuộc họp báo của Lầu Năm góc hôm 15/11. Những lời nói thận trọng trên được dựa trên hai đánh giá tình báo mà kết luận rằng kho vũ khí hạt nhân và các phòng thí nghiệm liên quan ở Pakistan đang trong điều kiện an toàn.

Tuy vậy, sự miễn cưỡng của Chính phủ Pakistan trong việc cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở hạt nhân đã hạn chế công tác đánh giá tình hình an ninh. Theo một số chuyên gia Mỹ, họ có ít cơ hội điều tra các phòng thí nghiệm hạt nhân, nơi sản xuất uranium được làm giàu ở mức cao, trong đó có cả phòng thí nghiệm dành cho Abdul Qadeer Khan, người đã bán công nghệ hạt nhân của Pakistan cho Iran, Triều Tiên và Libya.

Chương trình hạt nhân bí mật này do Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Mỹ thiết lập, áp dụng những kinh nghiệm từ các hoạt động bảo vệ vũ khí và nhiên liệu hạt nhân ở Nga và các nước cộng hòa Liên Xô cũ. Đa số viện trợ của Mỹ cho Pakistan được chi cho hoạt động an ninh kho bãi, chẳng hạn như xây dựng các hệ thống hàng rào và giám sát, các thiết bị theo dõi vật liệu hạt nhân nếu vật liệu rời các địa điểm an toàn.

Mặc dù Pakistan chính thức được coi là một đồng minh lớn ngoài Nato song giới chức quân sự nước này nghi ngờ mục tiêu bí mật của Mỹ là thu thập thông tin tình báo về cách định vị và vô hiệu hóa kho vũ khí của Pakistan - niềm tự hào của đất nước này. Chính sự nghi ngờ sâu sắc đó đã ngăn cản chương trình bảo vệ của Mỹ. ’’Mọi việc diễn ra lâu hơn mong đợi và chúng tôi chưa bao giờ chắc chắn chúng tôi đã đạt được những thành công cụ thể gì’’, một cựu quan chức liên quan tới chương trình này cho biết.

Cho tới nay, số tiền mà Mỹ viện trợ cho chương trình an ninh hạt nhân tuyệt mật ở Pakistan, khoảng 100 triệu USD, chưa bằng 1% tổng viện trợ của Mỹ cho Pakistan kể từ các vụ khủng bố 11/9. Phần lớn các khoản viện trợ dành cho hoạt động chống Taliban và al-Qaeda.

Tranh cãi về việc chia sẻ công nghệ an ninh hạt nhân bắt đầu trước khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Colin L. Powell được cử tới Islamabad sau các vụ tấn công 11/9, khi Mỹ đang chuẩn bị xâm lược Afghanistan. ’’Có nhiều người lo ngại ngay khi chúng tôi tiến đánh Afghanistan, Taliban sẽ tìm kiếm những vũ khí này’’, một quan chức cấp cao của chương trình tuyệt mật cho biết. Tuy nhiên, một phân tích pháp lý cho thấy trợ giúp chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan sẽ vi phạm luật quốc tế và luật Mỹ.

Trong cuốn hồi ký ’’Trong tuyến lửa’’ được xuất bản năm ngoái, Tướng Musharraf không đề cập tới các thiết bị, công nghệ hoặc hoạt động huấn luyện mà Mỹ cung cấp cho Pakistan. Tuy nhiên, ông viết: ’’Chúng tôi chịu áp lực lớn của Mỹ về kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của chúng tôi. Những lo ngại của Mỹ xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, vào thời điểm này, họ không chắc về chức vụ tổng thống của tôi và họ lo sợ khả năng một chính phủ cực đoan lên nắm quyền sau này có thể kiểm soát kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Pakistan. Thứ hai, họ nghi ngờ khả năng chúng tôi bảo vệ các tài sản của chúng tôi’’.

Tướng Musharraf nói chi tiết hơn trong một cuộc trả lời phỏng vấn cách đây hai năm trong một bộ phim tài liệu: ’’Jihad hạt nhân: Liệu các phần tử khủng bố có thể nắm được bom hạt nhân hay không?’’. Được hỏi về trang thiết bị và hoạt động huấn luyện do Washington cung cấp, ông nói: ’’Thẳng thừng ra tôi thực sự không biết chi tiết. Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Pakistan. Chúng tôi không cho phép nước ngoài xâm nhập vào các cơ sở của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đảm bảo rằng các biện pháp an ninh của chúng tôi là tốt nhất trên thế giới’’.

Giờ đây người ta lại lo ngại về khả năng tiếp tục cầm quyền của ông Musharraf. Tranh cãi cũng nổi lên trong và ngoài chính quyền Bush về việc chương trình bí mật trên đã gặt hái được những thành công gì và công việc gì còn dang dở. Giai đoạn hai của chương trình sẽ cung cấp nhiều thiết bị an toàn và trực thăng hơn. Giai đoạn này đang được Nhà Trắng thảo luận.

Lưỡng lự và nguy cơ

Đầu đạn hạt nhân W87-0/MX với sức công phá gần 350 kiloton

Đầu đạn hạt nhân W87-0/MX với sức công phá gần 350 kiloton

Harold M. Agnew, một cựu giám đốc của phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos, nơi thiết kế phần lớn vũ khí hạt nhân của Mỹ, đã cho rằng sự lưỡng lự gần đây của chính quyền liên bang trong việc chia sẻ công nghệ bảo vệ đầu đạn hạt nhân đang làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn. ’’Các luật sư nói rằng công nghệ này là tuyệt mật. Rõ là vớ vẩn. Chúng ta nên chia sẻ công nghệ này. Bất kỳ ai gia nhập câu lạc bộ hạt nhân cần phải được giúp đỡ để có được công nghệ đó. Dù đó là Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc hay Iran, điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng không có việc sử dụng vũ khí hạt nhân bất hợp pháp’’, ông nói.

Các quan chức Mỹ cho biết trong quá khứ Mỹ đã chia sẻ các ý tưởng, không phải là công nghệ, về cách bảo vệ an ninh cho các vũ khí hạt nhân Mỹ. Trung tâm của hệ thống này là một công tắc trong bản mạch khởi động. Bản mạch này đòi hỏi người sử dụng tương lại nhập mật mã dưới dạng số để khởi động đồng hồ hẹn giờ phóng và phát nổ vũ khí hạt nhân.

Phần lớn các công tắc không hoạt động nếu chuỗi mật mã được nhập vào không đúng sau một số lần nhất định, giống như nguyên tắc hoạt động của máy rút tiền tự động. Trong một số trường hợp, sự ngừng hoạt động này kích hoạt một vụ nổ nhỏ trong đầu đạn hạt nhân, khiến đầu đạn trở nên vô dụng. Chi tiết thiết kế phức tạp liên quan tới việc gắn hệ thống này ở sâu bên trong vũ khí hạt nhân để các phần tử khủng bố không thể làm gì được cho dù chúng lấy được vũ khí.

Trường hợp nổi tiếng nhất về việc chia sẻ ý tưởng hạt nhân liên quan tới Pháp. Từ đầu những năm 1970, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu một loạt các cuộc thảo luận bí mật với giới khoa học Pháp để giúp họ cải thiện kỹ thuật bảo vệ các đầu đạn hạt nhân của Pháp. Trở ngại tiềm năng đối với kế hoạch chia sẻ này là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1968. Hiệp ước cấm sự hợp tác về công nghệ vũ khí khí hạt nhân giữa các quốc gia. Để lách luật, Washington đưa ra một hệ thống ’’20 câu hỏi’’, để các nhà khoa học Mỹ lắng nghe các đồng nghiệp Pháp mô tả về phương pháp tiếp cận của họ đối với đầu đạn hạt nhân rồi chỉ dẫn về việc liệu Pháp có đi đúng đường hay không.

Việc chia sẻ cũng diễn ra sau chiến tranh lạnh khi Mỹ lo ngại về an ninh tại các cơ sở vũ khí hạt nhân của Nga. Trong trường hợp đó, cả Mỹ và Nga đã giải mật thông tin đầu đạn hạt nhân để trao đổi những thông tin về an toàn và an ninh. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, nước có vũ khí hạt nhân từ những năm 1960 và là một bên tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, chính quyền Clinton đã quyết định rằng chia sẻ PALS sẽ là quá nguy hiểm. Các chuyên gia bên trong chính quyền này lo sợ công nghệ sẽ giúp Trung Quốc cải thiện các đầu đạn hạt nhân và nắm được cách hoạt động của các hệ thống hạt nhân Mỹ.

Các quan chức tại Washington đã tranh cãi ít nhất hai lần về việc chia sẻ các kỹ thuật đảm bảo an ninh với Pakistan - ngay sau khi Pakistan cho phát nổ vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này năm 1998 và sau vụ tấn công khủng bố vào Mỹ hôm 11/9/2001. Trong các cuộc tranh cãi này, các nhà khoa học hạt nhân ủng hộ việc chia sẻ kỹ thuật trong khi các quan chức liên bang chẳng hạn như Bộ Ngoại giao lại phản đối, với lý do việc chuyển giao thông tin là bất hợp pháp theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và theo luật Mỹ.

Trong vụ việc 1998, chính quyền Clinton đã hy vọng buộc Pakistan từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này đã chế tạo. Chính quyền Bush đã từ bỏ hoàn toàn hy vọng này. Sự phổ biến vũ khí hạt nhân do Abdul Qadeer Khan tiến hành, người đã xây dựng một mạng lưới khổng lồ để truyền bá công nghệ hạt nhân của Pakistan, đã thuyết phục người Pakistan rằng họ cần các biện pháp bảo vệ tốt hơn.

"Trong số những nơi trên thế giới mà chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta đã làm hết sức, Pakistan nằm ở đầu danh sách", John E. McLaughlin, Phó Giám đốc CIA vào thời điểm đó, cho biết. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo dẫn tới sự sụp đổ của Khan. ’’Tôi tin tưởng hai điều rằng Pakistan rất nghiêm túc về việc bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của họ và một ai đó ở Pakistan rất muốn có được thứ vũ khí này’’, ông nói thêm.

Theo VNN/ New York Times

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm