Chuyên gia: G7 thống nhất chống Trung Quốc nhưng vẫn có sự khác biệt

Theo tờ South China Morning Post hôm 14-6, nhiều chuyên gia nhận định các nước G7 đã thể hiện lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập niên qua.

Hôm 14-6, G7 đưa ra thông cáo chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng "quyền con người và các quyền tự do cơ bản” ở Tân Cương, Hong Kong và yêu cầu Bắc Kinh không được có các hành động làm ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, G7 cũng yêu cầu một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của dịch COVID-19.

Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, thông cáo chung của nhóm G7 đã sử dụng nhiều ngôn từ gay gắt hơn về Trung Quốc so với trước đây.

South China Morning Post cũng cho biết cụm từ Trung Quốc được lặp đi lặp lại 25 lần trong tuyên bố chung của G7 nhưng hầu hết là bị sử dụng một cách tiêu cực. Chỉ có một số ít lần Trung Quốc được G7 nhắc đến với thái độ tích cực khi hai bên có ý định hợp tác chung để chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo các nước G7 nhóm họp. Ảnh: EUROPEAN COUNCIL

Theo các nhà phân tích, mặc dù không phải tất cả các nhà lãnh đạo G7 đều có lập trường cứng rắn như Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng sự đồng thuận lớn của nhóm G7 trong vấn đề Trung Quốc sẽ đặt ra mối lo ngại sâu sắc cho Bắc Kinh.

G7 đồng thuận, Bắc Kinh vào thế khó

Các chuyên gia cho rằng sự đồng thuận của G7 sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu, đồng thời đối mặt với nhiều sự hoài nghi hơn từ phương Tây.

Giáo sư dự bị Li Mingjiang của trường S. Rajaratnam School of International Studies thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết G7 ngày càng thống nhất hơn về vấn đề Trung Quốc và nỗ lực nhiều hơn để cạnh tranh với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như cung cấp vaccine, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghệ.

Ông đánh giá: “Đó là điều chưa từng có tiền lệ. Có nghĩa là chúng ta chưa bao giờ thấy một mặt trận thống nhất trong lịch sử G7 như trong thông cáo chung này”.

Chuyên gia Li cho biết sự thống nhất của G7 còn cho thấy chiến lược sử dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, gồm việc đóng băng thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc do các lệnh trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh với EU hay quan hệ thương mại đi xuống giữa Trung Quốc và Úc, đang bộc lộ những yếu điểm.

Ông Li nói: “Có lẽ đã đến lúc Bắc Kinh nên thận trọng hơn một chút khi hy vọng rằng sức mạnh kinh tế mình có thể ngăn chặn sự phát triển của một khối các nước phương Tây chống Trung Quốc”.

Theo giáo sư Tang Xiaoyang của Đại học Thanh Hoa, việc Mỹ cùng đồng minh phối hợp chống Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh.

Ông nói: “Rõ ràng là ông Biden muốn củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc và Nga, vì ông đã chọn gặp các đồng minh EU trong chuyến công du chính thức đầu tiên của mình”.

Nghi ngờ về mức độ đồng thuận chống Trung Quốc của G7

Bàn về hội nghị G7, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng những “mặt trận thống nhất chống Trung Quốc” mà Mỹ tạo nên thực sự yếu hơn so với vẻ bề ngoài.

Bài báo cho rằng mặc dù Mỹ rất nghiêm túc ở mặt trận này nhưng châu Âu lại làm theo kiểu chiếu lệ và Trung Quốc có khả năng đánh bại “mặt trận thống nhất” này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 diễn ra ở miền tây nam nước Anh. Ảnh: AP

Theo South China Morning Post, mặc dù có quan điểm chung là chống Trung Quốc, nhưng trong nội bộ G7 vẫn có một sự chia rẽ rõ ràng.

Cụ thể, tuyên bố của G7 không cứng rắn với Bắc Kinh như Mỹ hy vọng. Trong khi Canada, Pháp, Nhật có vẻ mạnh mẽ với Trung Quốc tương tự như Mỹ thì các nước Đức, Ý dường như miễn cường hơn trong việc lên án Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.  

Bên cạnh đó, sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã không nhắc đến Trung Quốc một cách rõ ràng trong phát biểu của mình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói G7 không phải là một "câu lạc bộ" thù địch với Trung Quốc.

Giáo sư Emilian Kavalski, chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Châu Âu ở Đại học Nottingham Ningbo (Trung Quốc) cho biết những chia rẽ đó đã tồn tại từ lâu nhưng dường như ngày càng có nhiều sự đồng thuận xuyên Đại Tây Dương về sự cần thiết phải cân nhắc trong quan hệ với Bắc Kinh.

Ông cho rằng Trung Quốc là vấn đề duy nhất mà các nhà lãnh đạo G7 đồng ý với nhau và G7 đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vẫn cần phải xem xét hành động của G7 quyết liệt với Trung Quốc tới đâu ở các khu vực như Đài Loan và Biển Đông.

G7 đối trọng với Trung Quốc tốt cho thế giời?

Trợ lý giáo sư về chính sách đối ngoại Trung Quốc Chin-Hao Huang tại Đại học Yale-NUS (Singapore) cho biết “cạnh tranh lành mạnh” giữa các cường quốc là tốt cho cộng đồng quốc tế và cả Bắc Kinh và Washington cần phải điều chỉnh lại mình để đáp ứng những thách thức toàn cầu.

Ông cho rằng hội nghị G7 cho thấy tài lãnh đạo của Mỹ trong việc khuyến khích các nước G7 sử dụng ngôn ngữ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Điều này cũng đặt ra những khó khăn cho Bắc Kinh trong việc tránh né sự giám sát của quốc tế trong các vấn đề về Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.

Theo ông Huang, khi Trung Quốc càng ngày càng có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu thì những vấn đề này không còn là chuyện nội bộ của Trung Quốc nữa mà đây là những vấn đề cần được thế giới quan tâm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm