Chuyên gia: 'Lằn ranh đỏ' của TQ không thể làm lung lay Mỹ và đồng minh

Theo giới phân tích, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ có thể là nhằm đặt ra những ràng buộc đối với các hành động của Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi cách các đồng minh phối hợp với Washington, cũng như không thể giải quyết các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, theo tờ South China Morning Post.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc gặp ngày 28-7. Ảnh: AP 

Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân ngày 26-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nêu những việc Mỹ cần làm. Các yêu cầu bao gồm không thách thức tính hệ thống của Trung Quốc, không phá vỡ các hoạt động phát triển của Trung Quốc và không can thiệp vào các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cũng đặt một số yêu cầu đối với Mỹ, bao gồm việc bỏ yêu cầu dẫn độ đối với giám đốc điều hành Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei và dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với các quan chức nước này.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang đi sâu vào các yêu cầu rõ ràng. Tuy nhiên, áp lực từ Mỹ sẽ không giảm bớt khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực về các vấn đề liên quan Trung Quốc.

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục có các cuộc gặp cấp cao với đồng minh và đối tác châu Á. Trước khi đến Thiên Tân, bà Sherman đã ghé thăm Nhật, Hàn Quốc và Mông Cổ. Sau đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ấn Độ và chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Việt Nam, Singapore và Philippines.

Ông John Lee, cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Úc nói "lằn ranh đỏ" Trung Quốc đặt ra với Mỹ phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chủ động "thiết lập chương trình nghị sự, đặt ra các kỳ vọng và giới hạn đối với các hành động của Mỹ ở khu vực".

Tuy nhiên, việc này khó có thể thay đổi suy nghĩ và hành vi của Mỹ và đồng minh về vấn đề Đài Loan bởi tầm quan trọng chiến lược, kinh tế và chính trị của hòn đảo.

Ông Biden đã tiếp tục chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, nhưng tập trung nhiều hơn vào chủ nghĩa đa phương và hợp tác với đồng minh và đối tác. Trong những tháng gần đây, Nhật và Hàn Quốc đã cùng với Mỹ nêu rõ sự ủng hộ đối với Đài Loan.

Theo ông Stephen Nagy, Phó GS tại ĐH Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, việc Nhật nhiều lần lên tiếng về tình hình Đài Loan là để khẳng định chiến lược khu vực của nước này và ủng hộ kế hoạch rộng lớn hơn của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Hành vi của Bắc Kinh sẽ không thực sự thay đổi điều đó. Theo quan điểm của Nhật và Mỹ, Đài Loan đại diện cho một phần thực sự quan trọng của một chiến lược an ninh rộng lớn hơn ở khu vực" - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm