Chuyên gia: Thông điệp mạnh mẽ từ cuộc tập trận của Malaysia ở Biển Đông

Tờ Eurasia Review dẫn lời giới phân tích ngày 20-8 nhận định việc Malaysia bắn thử thành công ba tên lửa chống hạm vào tuần trước cho thấy rõ ràng quốc gia này đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó các hành động khiêu khích tại Biển Đông.

Theo ông Lai Yew Meng - nhà phân tích an ninh khu vực, cuộc tập trận “Taming Sari” của hải quân Malaysia được tiến hành sau khi 16 máy bay quân sự Trung Quốc hồi tháng 5 xâm nhập không phận hàng hải của Malaysia tại Biển Đông.

Một tên lửa Exocet MM40 được bắn từ tàu KD Lekir trong cuộc tập trận “Taming Sari” của Hải quân Malaysia, ngày 12-8. Ảnh: HẢI QUÂN MALAYSIA

“Thực sự cần chứng minh một cách rõ ràng, thông qua các cuộc tập trận như Taming Sari, khả năng và ý chí của Malaysia trong việc bảo vệ chủ quyền của mình” - ông Lai trao đổi với trang BenarNews.

“Điều này đặc biệt quan trọng sau khi các hoạt động bay của quân đội Trung Quốc gần như đã xâm phạm không phận của Malaysia hồi cuối tháng 5. Giới quan sát cho rằng đó có thể là một nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và tác chiến của Malaysia” – ông Lai nói thêm.

Theo Eurasia Review, cuộc tập trận của Malaysia kéo dài sáu ngày, kết thúc vào ngày 12-8, là cuộc diễn tập tác chiến đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020. Malaysia đã tổ chức các cuộc tập trận tương tự vào năm 2019 và 2014.

Trong cuộc tập trận, tàu ngầm KD Tun Razak của Hải quân Malaysia đã phóng thành công một tên lửa chống hạm Exocet SM39, trong khi hai tàu khác, KD Lekiu và KD Lekir, mỗi tàu phóng một tên lửa dẫn đường Exocet MM40.

Cả hai tên lửa chống hạm này đều do nhà sản xuất quốc phòng MBDA Systems của Pháp chế tạo. MM40 Exocet có thể bắn trúng mục tiêu xa tầm 56 km, trong khi SM39 Exocet có thể đạt tới 35 km. 

Cuộc diễn tập có sự tham gia của chín tàu, năm xuồng chiến đấu nhanh, một tàu ngầm, hai trực thăng Super Lynx, bốn máy bay chiến đấu F / A-18D Hornet của Không quân Hoàng gia Malaysia và hai tàu thuộc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia.

Hơn 1.000 thành viên của lực lượng an ninh Malaysia đã tham gia cuộc tập trận.

'Malaysia không dễ bị khuất phục'

Theo ông Lai, cuộc tập trận phát đi một tín hiệu mạnh mẽ, đặc biệt là đối với Trung Quốc, quốc gia yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

“Một cuộc tập trận thành công sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, gồm cả Trung Quốc, rằng Malaysia không dễ bị khuất phục và cũng không trong trạng thái chưa sẵn sàng cho việc sử dụng vũ lực, nếu thực sự cần thiết, để đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài, bất chấp sự bất cân xứng về sức mạnh so với Trung Quốc” – ông Lai nhấn mạnh.

Máy bay Tây An Y-20 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Hồi đầu tháng, Malaysia cũng đã tham gia cuộc tập trận đa phương thường niên về Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) cùng Mỹ và 20 quốc gia khác.

Theo ông Lai, các cuộc tập trận hải quân và quân sự đa phương như vậy là một đặc điểm thiết yếu trong chính sách “phòng bị nước đôi” (hedging policy) của Malaysia”. 

Ông Lai cho biết chiến lược này nhằm tăng cường khả năng quốc phòng hạn chế của đất nước - thông qua quan hệ đối tác với các đối tác quốc phòng truyền thống – nhằm đối phó các mối đe dọa và thách thức an ninh trong bối cảnh bất ổn địa chính trị trong khu vực.

“Ngoài vai trò răn đe đối với sự quyết đoán tiềm tàng của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận đa phương có sự tham gia của Mỹ chắc chắn sẽ mang lại cảm giác yên tâm cho các quốc gia trong khu vực về sự tín nhiệm của Washington với tư cách là một đối tác an ninh và một bên đảm bảo an ninh khu vực” – ông Lai nói thêm. 

Trước đó, không quân Malaysia hôm 31-5 phát hiện 16 máy bay Trung Quốc, đa số là thuộc hai dòng máy bay vận tải quân sự là Tây An Y-20 và Ilyushin Il-76, bay theo đội hình chiến thuật và áp sát bờ biển Borneo, bang Sarawak (phía đông Malaysia) trong phạm vi 60 hải lý. Không quân Malaysia đã điều tiêm kích Hawk 208 theo dõi máy bay Trung Quốc.

Theo một báo cáo hồi tháng 7 của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), các tàu hải cảnh Trung Quốc kể từ đầu tháng 6 đã gây sức ép và tiến hành quấy rối các dự án dầu khí mới của Malaysia ở Biển Đông ngoài khơi bang Sarawak.

“Đây ít nhất là lần thứ ba kể từ mùa xuân năm 2020 tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng của Malaysia” – báo cáo của AMTI nêu rõ.

“Điều này một lần nữa cho thấy sự cố chấp của Bắc Kinh trong việc thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Và cuộc tuần tra trên không, có khả năng không phải là một sự trùng hợp, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng có hành động leo thang song song để gây sức ép buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước" - báo cáo đề cập cuộc xâm nhập của máy bay Trung Quốc hồi tháng 5.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm