5 lý do khiến bà Clinton ôm hận

Trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử, thậm chí vài tiếng khi bắt đầu kiểm phiếu, vẫn rất nhiều cuộc thăm dò kết luận bà Clinton dẫn trước. Nhiều chuyên gia nhận định bà có ưu thế hơn so với ông Trump và dự đoán bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Một ngày sau bầu cử, bà Clinton đứng tại TP New York, một căn cứ địa của đảng Dân chủ, tuyên bố thất bại. Cùng với thất bại của bà là con đường đi không rõ ràng của đảng Dân chủ sắp tới khi thất thế trong cả lưỡng viện Quốc hội.

Việc bà Clinton thua, ông Trump thắng mà lại thắng lớn quá bất ngờ, quá kịch tính, khó ai đoán được. Sự thắng thua này có lẽ sẽ còn được đề cập trong hàng tháng thậm chí hàng năm tới.

ABC News đưa nhận định của nhà báo, nhà văn Michael Edison Hayden (Mỹ) về năm lý do khiến bà Clinton mất ghế tổng thống về tay ông Trump.

Đánh giá thấp sức hấp dẫn của ông Trump

Trong số tài liệu của đảng Dân chủ bị tin tặc tấn công và Wikileaks công bố có một tài liệu nội bộ do cô Marissa Astor, trợ lý của ông Robby Mook - một quản lý tranh cử cho bà Clinton gửi cho ông John Podesta - chủ tịch tranh cử của bà Clinton vào tháng 4-2015. Nội dung tài liệu nội bộ này là về một chiến lược tranh cử.

Tài liệu liệt các ứng viên tổng thống Cộng hòa Trump, Ted Cruz vào hàng nhân đối thủ hàng đầu trong cuộc tranh cử. “Chúng ta cần vẽ hình ảnh các ứng viên này như là những kẻ khoác lác, và nói với truyền thông chăm sóc họ nghiêm túc.” tài liệu ghi.

Bà Clinton đã đánh giá thấp ông Trump.

Bà Clinton đã đánh giá thấp ông Trump. Ảnh: AP

Trong quá trình vận động tranh cử, bà Clinton và đảng Dân chủ thường xuyên tấn công vào điểm ông Trump thiếu kinh nghiệm chính trị mong hạ gục ông. Họ không biết các cử tri đánh giá cao hơn khả năng mang lại sự thay đổi của ông Trump. Kết quả bầu cử chứng minh điều đó.

Bản thân ông Trump, một nhân vật nổi tiếng ngoài giới chính trị theo chủ nghĩa dân túy có khuynh hướng cánh hữu, không kinh nghiệm chính trị lại được cử tri lựa chọn với niềm tin ông sẽ mang lại thay đổi cho nước Mỹ, hơn là một chính trị gia kinh nghiệm lão luyện như bà Clinton.

Đánh giá sai bản đồ bầu cử

Hai bang trung tây nước Mỹ Michigan và Wisconsin ủng hộ nghị sĩ Bernie Sanders, đối thủ bà Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ. Sau khi thua ở hai nơi này qua bầu cử sơ bộ nhưng nhận được đề cử làm đại diện đảng Dân chủ tranh đua với đại diện đảng Cộng hòa, bà Clinton hầu như không còn lai vãng đến hai bang này, trong khi ông Trump có rất nhiều cuộc vận động hăng hái ở đây. Michigan có trong danh sách điểm đến của ông Trump trong ngày vận động cuối cùng.

Bà Clinton và ông Sanders tranh luận trong giai đoạn bầu cử sơ bộ.

Bà Clinton và ông Sanders tranh luận trong giai đoạn bầu cử sơ bộ. Ảnh: AP

Ông Trump nhận thấy mình có khả năng biến sự ủng hộ của lớp cử tri da trắng lao động từng đưa ông Sanders thắng bà Clinton tại hai bang Michigan và Wisconsin chuyển sang ủng hộ mình và nỗ lực làm điều đó. Trong khi ông Trump nỗ lực biến hai bang xanh Dân chủ trước kia trở thành hai bang đỏ Cộng hòa thì bà Clinton lại không một chút phòng bị.

Có lẽ đến cuối cùng bà Clinton cũng nhận ra tầm quan trọng của bang Michigan, khi nó trở thành một điểm đến trong ngày vận động cuối cùng của bà. Tuy nhiên, chỉ với lần xuất hiện này thì quá ít và quá trễ.

“Một lũ tồi tệ”

Suốt quá trình tranh cử bà Clinton luôn bị chỉ trích là cao ngạo, khó gần. Chỉ trích này lên đỉnh điểm vào tháng 9 khi bà gọi một nửa người ủng hộ Trump là “một lũ tồi tệ”.

Lời nói này nhanh chóng bị phe Cộng hòa chỉ trích. “Nó cho thấy bà ấy chẳng bận tâm gì nhiều đến tầng lớp lao động ở Mỹ” - theo ông Jason Miller, cố vấn truyền thông của Trump.

Buổi tối lịch sử 8-11, từ “tồi tệ” trở thành một từ chung của rất nhiều người ủng hộ ông Trump, họ không ngại gắn nó bên cạnh tên mình trên mạng xã hội. Điều này cho thấy cụm từ “một lũ tồi tệ” chưa bao giờ phai mờ và chắc chắn có sức công phá rất lớn với cuộc đua của bà Clinton, dù bà Clinton đã xin lỗi.

Thiếu minh bạch

Sau khi bà Clinton loạng choạng trượt ngã tại buổi lễ tưởng niệm sự kiện nước Mỹ bị khủng bố 11-9, BS riêng Lisa Bardack của bà Clinton cho biết bà Clinton bị viêm phổi từ vài ngày trước.

Việc xử lý tình huống và thời điểm công bố thông tin bà Clinton bị bệnh đã dẫn đến chỉ trích là bà thiếu minh bạch, che giấu bệnh tật.

Bà Clinton dừng lại để ho tại một buổi phát biểu ngày 5-9.

Bà Clinton dừng lại để ho tại một buổi phát biểu ngày 5-9. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, các email từ ông Podesta và nội bộ đảng Dân chủ bị rò rỉ và so Wikileaks công bố cho thấy bà Clinton được nhiều quan chức cấp cao trong đảng thiên vị nhiều hơn trong cuộc đua giành đề cử của đảng với các ứng viên Dân chủ khác.

Thăm dò đã cho thấy cứ hai người Mỹ thì có một người cho rằng bà Clinton không đáng tin.

Đường đi quá an toàn

Bà Clinton đã có một đường đi như mơ trong suốt cuộc đua, mỉa mai là sự thuận lợi này lại trở thành rào cản bà đến chiến thắng.

Trong suốt cuộc đua, bà Clinton nhận được sự ủng hộ của gần như mọi cơ quan truyền thông. Giai đoạn bầu cử sơ bộ, bà gần như được toàn bộ thành viên đảng Dân chủ ủng hộ khi nhận được đề cử.

Bà có sự hậu thuẫn của đương kim Tổng thống Obama. Ông Obama và cả đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã không biết bao nhiêu lần bỏ công đứng ra vận động cùng bà, cho bà. Bà được hàng loạt ngôi sao giải trí rất có sức ảnh hưởng ở Mỹ như LeBron James, Beyonce, Lady Gaga, Bruce Springsteen vận động cho bà trong những ngày cuối.

Vợ chồng ca cĩ Beyonce và Jay-Z vận động cùng bà Clinton ngày 4-11.

Vợ chồng ca sĩ Beyonce và Jay-Z vận động cùng bà Clinton ngày 4-11. Ảnh: AP

Ngoài ra, khoản quyên góp tài chính dành cho bà Clinton cũng nhiều hơn so với ông Trump, chứng tỏ bà có được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật quyền lực, tiếng tăm không chỉ trong lĩnh vực chính trị.

Trong khi đó thông điệp trong những ngày vận động cuối cùng của bà Clinton không có gì rõ ràng, chỉ là kêu gọi người ủng hộ ngăn Trump tiến đến quyền lực. Những hứa hẹn chính sách bà đã nói nhiều tháng trước như tăng lương tối thiểu lên 12 USD/giờ như đã lùi vào quên lãng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm