Ai muốn chiến tranh với Iran?

Thư khẳng định Israel và Mỹ đã tham gia vụ thảm sát này.

Cùng ngày tại Cuba, trong hội đàm với Chủ tịch Raul Castro, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tố cáo Mỹ và Israel có liên quan đến vụ thảm sát. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ không liên quan gì.

Liên quan đến cấm vận dầu mỏ Iran, dự kiến các bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp ngày 23-1 để thảo luận về vấn đề này. Iran đã và đang phát triển tên lửa tầm xa đất đối đất có trang bị đầu đạn hạt nhân đạt tầm bắn 2.000 km. Ở tầm bắn này, nhiều nước châu Âu sẽ bị đe dọa. Nói cách khác, châu Âu lo lắng về mối đe dọa hạt nhân của Iran còn hơn cả Mỹ.

Báo Huffington Post (Mỹ) phân tích trong bối cảnh đó, châu Âu đang dự tính chơi trò “tọa sơn quan hổ đấu”. Hoặc châu Âu có thể dựa vào Mỹ và Israel để tấn công Iran trong khi châu Âu vẫn giữ mối làm ăn với quốc gia Hồi giáo này. Hoặc châu Âu tách riêng khỏi hành động của Mỹ và Israel và như vậy vẫn giữ được nguồn cung dầu từ Iran.

Vấn đề đặt ra là Mỹ không cho phép châu Âu tự do lợi dụng sức mạnh quân sự của Mỹ ở Trung Đông vốn là sân sau chiến lược của châu Âu. Bởi thế, Mỹ đã tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ không đơn phương tấn công Iran mà chỉ áp dụng chiến lược từng phần gây áp lực lên kinh tế và quân sự Iran.

Hiện các nước Nam Âu đang phản đối lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Iran vì các nước này phụ thuộc rất nhiều từ dầu hỏa Iran. Mặt khác, Nhật và Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Mỹ miễn trừ hình phạt tài chính lên Iran. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có thể phá vỡ lệnh trừng phạt bằng cách chuyển sang ký kết thỏa thuận trao đổi với Tehran.

Chính quyền Obama đang đối mặt với áp lực lớn từ Israel khi Israel đe dọa sử dụng vũ lực đối với Iran. Một áp lực khác từ trong nước: Các ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama thất bại tại Iran và kêu gọi phải hành động ngay lập tức.

Thực ra Nhà Trắng nhận định đối đầu quân sự với Iran sẽ không hiệu quả. Chiến tranh có thể kiềm hãm Tehran phát triển vũ khí hạt nhân một vài năm nhưng cũng có thể kích động cuộc chiến toàn lực ở Trung Đông liên quan đến Israel và tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Hơn nữa, chiến tranh sẽ làm giá dầu tăng cao và không có lợi cho kế hoạch hồi phục kinh tế của Mỹ.

Người dân Mỹ chắc chắn không ủng hộ chiến tranh vì lo ngại rơi vào vũng lầy quân sự như ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh then chốt của Mỹ cũng suy nghĩ tương tự vì mong muốn đóng vai trò quan trọng việc thúc đẩy ngoại giao để Iran ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy các quan hệ kinh tế và ngoại giao.

Đối với Iran, dù gần đây Iran sử dụng những lời lẽ căng thẳng nhưng Iran vẫn lo lắng về một cuộc chiến với Mỹ bởi cuộc chiến có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì sức mạnh của Iran về lâu dài.

Mỹ đang bị thách thức. Iran có cảm giác bị dồn vào đường cùng. Israel đang có cảm giác bị cô lập khi hệ thống chính trị Trung Đông đang có thay đổi lớn. Bất kỳ hành động khiêu khích và tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến chiến tranh. Dù vậy, mọi dự đoán cũng có thể sai!

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm