Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của "Đại Liên xinh đẹp"

Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của "Đại Liên xinh đẹp" ảnh 1

Các nữ cảnh sát ở Quảng trường Nhân dân, trung tâm thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Asahi Shimbum

Với kiếm treo bên hông, 4 cô gái trẻ nhẹ nhàng leo lên lưng ngựa và cho chúng thả bộ quanh quảng trường rộng tới 120.000 m2. Vẻ đẹp và sự độc đáo của họ khiến không ít người qua đường phải tò mò và vội vã chụp lại ảnh.

Những nữ cảnh sát trên lưng ngựa chính là một trong những hình ảnh đẹp mà Bạc Hy Lai đã mang lại cho Đại Liên trong thời gian ông giữ chức thị trưởng của thành phố ven biển này.

Nhìn Đại Liên bây giờ, ít ai biết rằng vào năm 1993, khi Bạc rời vị trí phó chủ tịch huyện Jin để tới nhậm chức tại thành phố này, nơi đây không khác nào một mớ hỗn độn. Liêu Ninh khi ấy tưởng như đã bị lãng quên, trong khi làn sóng cải cách kinh tế và mở cửa đang tràn qua những tỉnh thành khác của đất nước.

Tỷ lệ người thất nghiệp ở nơi này thậm chí cao hơn mức trung bình của cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng từ chất thải của những công ty trong ngành công nghiệp nặng.

Trước bối cảnh ấy, Bạc Hy Lai đã hạ quyết tâm sẽ xóa hình ảnh Đại Liên như một thành phố bẩn thỉu và cố gắng biến câu châm ngôn "Đại Liên xinh đẹp" của ông thành hiện thực.

Để làm được điều đó, đầu tiên, Bạc yêu cầu phá bỏ tất cả nhà máy cũ và trồng cây dọc các con phố. Chỉ trong 8 năm giữ chức thị trưởng, ông đã xây dựng được hơn 80 quảng trường công cộng mọi nơi trên thành phố.

"Tỷ lệ phủ xanh đạt tới 40%", theo tài liệu của chính quyền Đại Liên.

Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của "Đại Liên xinh đẹp" ảnh 2

Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (giữa). Ảnh: CNS

Không chỉ dừng tại đó, Bạc Hy Lai còn tăng tỷ lệ rác thải được xử lý như một phần của chiến dịch làm sạch 40 con sông từng bị ô nhiễm nghiêm trọng trong thành phố. Ông cũng thúc đẩy việc xây dựng nhà cho thuê cho những người có thu nhập thấp. Những nỗ lực không ngừng của ông đã giúp khoảng 450.000 người nghèo ở Đại Liên có nhà mới.

Nhờ các thành công ấy, thành phố Đại Liên nhận được một giải thưởng từ Liên Hợp Quốc vì giúp cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Bạc Hy Lai còn được biết tới như một thị trưởng luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và độc đáo. Việc xây dựng một đội nữ cảnh sát trên lưng ngựa chính là một trong những minh chứng điển hình cho nhận định đó.

Khi thực hiện ý tưởng ấy, Bạc Hy Lai mong muốn biến những cô gái trẻ "trở thành đại diện cho vẻ đẹp của Đại Liên". Độ tuổi trung bình của 50 nữ cảnh sát đầu tiên được lựa chọn là 23. Tất cả đều rất trẻ trung và xinh đẹp.

Từ cửa sổ văn phòng của thị trưởng, Bạc có thể phóng tầm mắt ra Quảng trường Nhân dân ở trung tâm thành phố. Theo lời một cựu quan chức cấp cao của chính phủ, ông thường xuyên theo dõi đội nữ kỵ binh của mình bằng vẻ hài lòng và hạnh phúc.

Bạc Hy Lai cũng quyết tâm làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân bằng việc mở một chương trình biểu diễn thời trang thường niên. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có nhà thiết kế thời trang tài năng người Nhật, Hanae Mori. Các buổi biểu diễn đã gây được tiếng vang lớn với sự góp mặt của các chính trị gia nổi tiếng thế giới như cựu thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Trong những buổi lễ đánh dấu khai mạc chương trình, Bạc Hy Lai luôn để lại dấu ấn tốt đẹp khi có những bài phát biểu bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Khi Đại Liên trở thành một hiện tượng của Trung Quốc, lãnh đạo ở các địa phương khác bắt đầu học tập một số chính sách của thị trưởng Bạc Hy Lai.

Một cựu quan chức của chính quyền thành phố Đại Liên vẫn nhớ vẻ tự hào của Bạc Hy Lai khi ông tham gia các cuộc họp với chính phủ. Vị thị trưởng thường nói: "Thành phố Đại Liên giống như những món trang sức đắt giá mà tôi phải tự tay cẩn trọng đánh bóng từng thứ một".

Theo Quỳnh Hoa (VNE / Asahi Shimbum)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm