Bài học phân định tranh chấp biển Ấn Độ-Bangladesh

Trước đó, chuyên gia Sam Bateman, cố vấn chương trình an ninh hàng hải của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cũng nhận định tương tự trên trang web Mạng lưới An ninh và quốc tế của Thụy Sĩ.

Ấn Độ đề nghị phân định biên giới trên vịnh Bengal dựa theo nguyên tắc trung tuyến. Bangladesh lại muốn phân chia công bằng, như vậy Bangladesh sẽ có diện tích tranh chấp khá lớn chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ. Ấn Độ đệ trình tranh chấp ra tòa án trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan).

Ngày 7-7, tòa án đưa ra phán quyết. Tòa nhận định biên giới thềm lục địa của Bangladesh đã vượt ra khỏi ranh giới 200 hải lý của nước này và chồng lấn khu vực 200 hải lý của Ấn Độ. Do đó, tòa phán quyết Bangladesh nhận được 19,467 km trong 25,602 km vùng biển, tức 4/5 khu vực tranh chấp.

Ấn Độ lẫn Bangladesh đều xem phán quyết của tòa là chiến thắng. Bộ Ngoại giao Bangladesh gọi phán quyết là chiến thắng của tình hữu nghị Ấn Độ-Bangladesh. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hoan nghênh phán quyết sẽ thúc đẩy tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước láng giềng.

Chuyên gia Sam Bateman cho rằng nếu không nhận được phán quyết có lợi từ tòa án trọng tài thường trực ở La Haye, Bangladesh chỉ được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhỏ hơn bởi Bangladesh nằm ở vị trí “vùng khóa”, tức bị kẹt giữa vùng biển của Ấn Độ và Myanmar. Phán quyết của tòa đã công nhận khu vực lõm của vịnh Bengal tạo ra các yếu tố không công bằng đối với Bangladesh, vì thế tòa đã điều chỉnh đường trung tuyến hướng về phía Tây dành khu vực lớn hơn cho Bangladesh.

Tóm lại, dù tranh chấp biên giới hàng hải tại vịnh Bengal giữa bốn nước Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka vẫn còn một số gút mắc chưa được giải quyết, phán quyết về biên giới hàng hải giữa Ấn Độ và Bangladesh rất có ý nghĩa.

Chuyên gia Sam Bateman khẳng định phán quyết ấy đã trở thành nền tảng vững chắc cho công tác quản lý mang tính chất hợp tác trên vịnh Bengal. Phán quyết ấy cũng bảo đảm an ninh hàng hải khu vực, giải quyết được căng thẳng lớn trên vịnh Bengal và mở đường cho quá trình hợp tác hiệu quả hơn của các nước trong khu vực.

Thái độ sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đã thúc đẩy uy tín đạo đức của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc ở Nam Á. Vì lẽ đó, chuyên gia Sam Bateman khuyên đây là mô hình mà Trung Quốc có thể xem xét trong quá trình giải quyết tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Chuyên gia Sam Bateman kết luận: Nếu có đủ ý chí chính trị, vấn đề tranh chấp hàng hải vẫn có thể được giải quyết trong hòa bình.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm