Báo chí Mỹ bóp méo hồ sơ WikiLeaks về Iran

Việc làm không thể chấp nhận nêu trên vừa bị tờ Asia Times Online (ATOL), tờ báo điện tử hàng đầu châu Á, lật tẩy. Theo ATOL, trò bóp méo thông tin do WikiLeaks tiết lộ được thực hiện bởi 2 tờ báo hàng đầu nước Mỹ là New York Times, số ra ngày 1/12/2010, và Washington Post, số ra ngày 6/12/2010. Nội dung thông tin bị 2 tờ báo lớn và uy tín bậc nhất nước Mỹ này bóp méo có liên quan đến quan điểm của các nước Arập trong khu vực Trung Đông đối với chương trình hạt nhân của Iran và ý kiến của lãnh đạo các nước về việc Mỹ và Israel có nên sử dụng sức mạnh quân sự tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không.

Báo chí Mỹ bóp méo hồ sơ WikiLeaks về Iran ảnh 1

Vua Arập Xêút Abdullah bin Abdul Aziz

Theo ATOL tờ New York Times đã giật tít trang nhất bài báo nhan đề "Người Arập và Israel đều không chấp nhận Iran có vũ khí hạt nhân", trong đó viết về các bức điện ngoại giao bị WikiLeaks tiết lộ: "Các chế độ Arập trong Vùng Vịnh do Arập Xêút dẫn đầu có cùng quan điểm với Israel rằng, chương trình hạt nhân của Iran phải được dừng lại, nếu cần thì sử dụng sức mạnh quân sự". Chưa thôi, vào ngày khai mạc cuộc đàm phán mới giữa Iran và 6 cường quốc về vấn đề hạt nhân, tờ Washington Post tiếp tục khẳng định rằng, các bức điện do WikiLeaks tiết lộ "cho thấy các lãnh đạo Vùng Vịnh đã thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran".

Những thông tin méo mó này lập tức được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phái diều hâu tân bảo thủ trong Quốc hội Mỹ chộp lấy và xem đó như một lời khẳng định "quan điểm đúng đắn" của Israel trong cuộc đối đầu với Iran. Chúng đã được nhiều tờ báo lớn nhỏ trên thế giới đăng lại hoặc trích dẫn.

Sự thật là các bức điện do trang WikiLeaks tiết lộ chứa đựng nội dung hoàn toàn khác với những gì hai tờ báo hàng đầu nước Mỹ đã nêu. Các bức điện WikiLeaks thật ra đã nói rằng "phần lớn các chế độ ở Vùng Vịnh, kể cả Arập Xêút, rất quan ngại về những hậu quả từ một cuộc tấn công Iran" vì lo ngại về vấn đề an ninh, hoàn toàn trái ngược với quan điểm hiếu chiến của Israel.

Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất chính là câu nói của Vua Arập Xêút Abdullah bin Abdul Aziz đã bị tờ New York Times vừa bóp méo vừa diễn giải sai bối cảnh, sai thời điểm và sai cả trọng tâm chủ đề nhằm mục đích làm nổi bật lên quan điểm chủ chiến chống Iran. Kể cả các phát biểu của Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ Adel al-Jubeir và Bộ trưởng Ngoại giao, Hoàng thân Muqrin bin Abdul Aziz được thuật lại trong các bức điện cũng bị New York Times bóp méo và trích dẫn sai có chủ đích.

Trong bài báo ngày 1/12/2010 của mình, tờ New York Times đã trích dẫn: Vua Abdullah kêu gọi Mỹ nên "chặt đầu con rắn", ám chỉ Iran trong cuộc nói chuyện giữa nguyên thủ Arập Xêút với tướng David Petraeus vào tháng 4/2008. Bài báo còn khẳng định chính Đại sứ Al-Jubeir đã bảo rằng: "Vua Abdullah đã cổ vũ Mỹ tấn công Iran", còn Bộ trưởng Ngoại giao - Hoàng thân Muqrin thì "kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế có hành động chế tài mạnh hơn nữa đối với Iran",...

Sự thật thì các bức điện chỉ nói rằng, tại cuộc gặp tướng Petraeus, Vua Abdullah không hề nói chuyện về chương trình hạt nhân Iran mà chỉ bàn về việc "phản kháng và kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Iraq". Còn lời phát biểu của Đại sứ Al-Jubeir thì không phải vào lúc đó mà vào một thời điểm khác, nhưng cũng không phải nói chuyện "cổ vũ Mỹ tấn công Iran". Riêng phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao thì bị bóp méo trầm trọng; Hoàng thân Muqrin chỉ nói rằng "không nên loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng vũ lực chống Iran". Đây là những phát biểu trong giai đoạn ông Obama chưa lên thay ông Bush trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Báo chí Mỹ bóp méo hồ sơ WikiLeaks về Iran ảnh 2

Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani (phải) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad

Các chuyên gia về Trung Đông cho rằng, phong cách ngoại giao của Arập Xêút là "nói cho người Mỹ nghe những gì họ thích nghe" chứ không phải "những gì mình muốn nói". Điều này hoàn toàn đúng. Các bức điện trong giai đoạn sau khi ông Obama lên làm Tổng thống đều thể hiện quan điểm khác hẳn của Arập Xêút là nhấn mạnh vào các giải pháp chính trị và kinh tế để đối phó với Iran - rất phù hợp với quan điểm "mềm mỏng, lôi kéo đối phương" của ông Obama. Chẳng hạn, nội dung bức điện đề ngày 10/2/2010 nhấn mạnh việc sử dụng "quyền lực mềm" để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại Iraq, đồng thời khuyến khích sự hòa giải giữa Hamas với chính quyền Palestine ở khu Bờ Tây, tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ để tạo sức ép gián tiếp lên Iran,... mà không cần trông cậy vào sức mạnh quân sự, ngoại giao của Mỹ.

Thêm những bằng chứng bóp méo sự thật nữa cho thấy không hề có chuyện "một mặt trận Arập chống Iran" như New York Times đã nêu. Chẳng hạn, New York Times trích dẫn một bức điện tháng 2/2007 nói, Hoàng thái tử xứ Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahyan nói rằng, chương trình hạt nhân của Iran "phải được dừng lại bằng mọi cách có thể". Sự thật thì bức điện đề ngày 7/2/2007 nói rằng: "UAE lo ngại bất cứ hành động nào của Mỹ chọc tức người láng giềng lớn và mạnh hơn" của mình.

Hai năm sau bức điện đó, một bức điện đề ngày 5/4/2009 đã làm rõ hơn quan điểm của UAE khi trích thuật phát biểu của Hoàng thái tử Zayed al-Nahyan cho rằng "một giải pháp quân sự sẽ không làm cho chương trình hạt nhân của Iran bị gián đoạn", và rằng "một cuộc chiến với Iran chỉ có gây hại cho UAE".

An Châu tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm