Báo Đức lý giải những điểm sáng của Việt Nam trong chống dịch

Nhìn lại tổng thể quá trình chống dịch của Việt Nam, đài DW (Đức) mới đây đã có bài viết: “Việt Nam chiến thắng COVID-19 như thế nào?”.

Theo đó, DW ghi nhận dù Việt Nam sát gần với tâm dịch Trung Quốc và có hệ thống y tế kém hơn nhiều quốc gia giàu có phương Tây, nước này đã quản lý rất tốt và giữ được số lượng ca nhiễm bệnh ở mức thấp.

Trong khi hệ thống y tế của nhiều cường quốc điêu đứng hoặc quá tải, điển hình là Đức hiện đã có hơn 147.000 ca nhiễm với gần 4.800 ca tử vong, Việt Nam mới có 268 ca nhiễm và chưa có ca tử vong.

“Một điều rõ ràng là Việt Nam đã hoàn thành tốt các công tác phòng, chống đại dịch”, DW khẳng định.

Nhân viên y tế khử trùng xe cứu thương ở thủ đô Hà Nội (Ảnh chụp hồi tháng 3). Ảnh: REUTERS

Lý giải về những yếu tố then chốt giúp Việt Nam khống chế đại dịch, DW chỉ ra chính phủ Việt Nam đã sớm tuyên chiến với "COVID-19" ngay từ cuối tháng 1 khi dịch còn chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc, đặc biệt là tại TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

"Việt Nam đã nghiêm túc đánh giá đúng và chính xác mức độ về nguy cơ đe dọa nhân loại của COVID-19 để triển khai những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và hiệu quả. Điều này khác hẳn so với các quốc gia phát triển có thái độ tự tin vào năng lực của mình", DW nhận định.

Tiếp đó, nhà chức trách đã nhanh chóng cho triển khai các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn như cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi người nhập cảnh, hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài.

Đơn cử, hồi tháng 2, Việt Nam tiến hành phong tỏa xã Sơn Lôi với 10.000 dân trong vòng ba tuần, khi mà mới chỉ có 10 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận trên cả nước.

Về công tác cách ly, ngoài những người nhiễm virus thì Việt Nam cũng tiến hành truy vết, theo dõi y tế với bất kỳ người nào từng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và cả các trường hợp F1, F2, F3 đến F4. Để so sánh, Đức chỉ mới theo dõi bệnh nhân đến các ca F1.

Tới đầu tháng 4, Việt Nam nâng tầm chiến dịch đẩy lùi COVID-19, chuyển sang cách ly toàn xã hội. Một số lượng lớn sinh viên y khoa, y bác sĩ về hưu được huy động tham gia chống dịch COVID-19. Một chiến dịch gây quỹ để mua các thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho y bác sĩ, công an và bộ đội tiếp xúc gần với bệnh nhân và cho những người bị cách ly cũng được phát động và cho kết quả tốt.

Một người dân Hà Nội chạy xe ngang qua bảng tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh chụp ngày 10-4). Ảnh: REUTERS

Một trong những yếu tố quan trọng khác giúp Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả là nhờ mạng lưới thông tin tuyên truyền. Các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng đưa tin về COVID-19 để cung cấp cho người dân thông tin đầy đủ và nhanh chóng. Trong khi đó, các quan chức tổ chức họp báo minh bạch về diễn biến dịchtrong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất mạnh tay trong xử lý nạn tin giả. Công an sẵn sàng triệu tập và xử phạt một số lượng lớn người chia sẻ các tin đồn sai sự thật về dịch COVID-19.
Mạng lưới giám sát và cung cấp thông tin trong cộng đồng của Việt Nam cũng rất hiệu quả. Nhân lực các ban, ngành địa phương cũng túc trực trên đường phố để phát hiện và cách ly những trường hợp có dấu hiệu nhiễm COVID-19.
Dù chưa có nghiên cứu và số liệu cụ thể nhưng dựa vào mặt bằng chung DW đánh giá phần đông người dân Việt Nam rất tin tưởng và sẵn sàng tuân thủ các quy định cho cơ quan y tế ban hành. Người dân sẽ ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng biết khi họ phát hiện hàng xóm hoặc những người đến khu dân cư có bất kỳ hành động sai trái hoặc gây rủi ro phát tán mầm bệnh.

Về biện pháp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo tránh đổ xô tích trữ và có hành động mạnh với các doanh nghiệp tăng giá. Đồng thời, Việt Nam ngày 10-4 đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 62.000 tỉ đồng để đảm bảo an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm