Biển Đông: Phép thử tình thân giữa Trung Quốc và đồng minh Mỹ

Hàng trăm người dân Philippines đã đổ xuống đường biểu tình, mang theo những băng rôn, biểu ngữ bày tỏ phản đối hành động của Trung Quốc (TQ) sau khi tàu của nước này đã tông chìm, và sau đó bỏ mặc một tàu cá Philippines cùng 22 ngư dân trên tàu gần khu vực bãi Cỏ Rong xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam tối hôm 9-6.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt hành động "vô nhân đạo" của phía TQ hôm 12-6, trong khi đất nước đang ăn mừng ngày độc lập.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là ít kiên quyết hơn với Bắc Kinh khi ông nhiều lần nhấn mạnh rằng đất nước không đủ khả năng cho một cuộc chiến tranh tranh chấp trên biển. Giới phê bình tin rằng chính hành động do dự đó đã tạo điều kiện để Bắc Kinh dễ dàng lấn át.

Diễn biến bất ngờ

Tối ngày 14-6, Đại sứ quán TQ thừa nhận tàu nước này đã đâm vào tàu cá Philippines, khiến tàu Philippines bị chìm. Tuy nhiên, họ biện bạch lí do không thể giải cứu các ngư dân vì tàu TQ bị “bao vây” bởi bảy hoặc tám tàu đánh cá Philippines.

Trên trang tin Rappler, Đại sứ quán TQ tại Philippines lên tiếng giải thích lúc đó tàu cá Yuemaobinyu 42212 của TQ đang "neo đậu" gần bãi Cỏ Rong ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lúc 24h ngày 9-6-2019.

“Tàu TQ đột ngột bị bảy hay tám tàu cá Philippines bao vây. Yuemaobinyu 42212 đã không né được một tàu cá Philippines. Sau đó, thuyền trưởng TQ đã cố cứu các thuyền viên Philippines, nhưng lại e ngại vì đang bị các tàu cá Philippines khác bao vây. Diễn biến trên cho thấy không có cái gọi là ‘đâm trúng và bỏ chạy’” - Đại sứ quán TQ ở Philippines nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 13-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng còn nói rằng chuyện tàu Philippines bị đâm chìm chỉ là tai nạn hàng hải thông thường và chỉ trích Philippines vô trách nhiệm khi "chính trị hóa vụ việc mà không có chứng cứ".

Tuyên bố của TQ là bước ngoặt mới nhất trong diễn biến chưa từng có trong cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên biển Đông.

Về phía Philippines, ông Junel Insigne, thuyền trưởng tàu cá Gem-vir, khẳng định ông chắc chắn tàu cá TQ đã cố ý đâm chìm tàu ông hôm 9-6. Các ngư dân Philippines kể tàu TQ đã rời khỏi hiện trường ngay sau khi đâm chìm tàu và bỏ mặc mạng sống của họ. Các ngư dân Philippines phải chờ vài giờ trước khi được một tàu cá Việt Nam phát hiện và giải cứu.

Ông Jay Batongbacal, GĐ Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc ĐH Philippines, cũng khẳng định đây là một hành động cố ý và có tính toán hẳn hoi. “Một người dù có đang chạy cũng không thể đụng trúng một người khác đang đứng giữa một sân bóng đá. Tương tự, một tàu cá đang chạy sẽ không thể nào đâm phải một tàu cá khác đang thả neo giữa vùng biển mênh mông. Bỏ chạy ngay sau khi đâm chìm tàu người ta mà không ứng cứu thuyền viên trên đó thì rõ ràng là hành vi cố tình phá hoại" – ông Batongbacal nhận xét.

Phép thử trong mối quan hệ Trung Quốc - Philippines

Theo tờ The Washington Post, vụ việc là một phép thử với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chính sách đối ngoại với Bắc Kinh. Được biết, kể từ khi nhậm chức vào tháng 6-2016, ông Rodrigo Duterte đã luôn tỏ rõ mong muốn đạt được một mối quan hệ chiến lược và nồng ấm với chính quyền Bắc Kinh. 

Theo tờ Biz News Asia, một trong những lí do nổi bật để giải thích cho thái độ bất thường của ông Duterte với TQ là ở việc ông cho rằng đây là cách để Philippines bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình ở những khu vực đang tranh chấp ở biển Đông.

GS Batongbacal cho biết ông Duterte bây giờ không thể tiếp tục phụ thuộc vào mối quan hệ với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. “Thái độ của TQ thực sự không thay đổi bất chấp mối thân tình giữa hai nhà lãnh đạo. Bắc Kinh có thể đang lợi dụng sự do dự của chính quyền Manila” – ông Batongbacal cho biết.

Nếu chúng ta chủ quan trước hành động này của Trung Quốc, điều tương tự có thể được tiếp diễn trong tương lai. Hoặc Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng tình thân hữu của Philippines.

JAY BATONGBACAL, GĐ Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc ĐH Philippines 

Nhưng có vẻ như Philippines cũng không muốn tìm đến sự hỗ trợ nước ngoài. Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr vừa tweet từ chối sự can thiệp của cộng đồng quốc tế và khẳng định đây là cuộc chiến của chính đất nước ông.

Trong khi ông Duterte vẫn giữ im lặng từ vụ chìm tàu ngày 9-6, cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo đã lên tiếng đứng về phía chính quyền, cho rằng ông Duterte và Bộ trưởng Teodoro Locsin Jr đã có "cách tiếp cận đúng đắn", theo hãng tin ABS-CBN. “TQ là một nước láng giềng lớn của chúng ta ở phía Bắc. Vậy mà chúng ta không nên kết tình thân hữu với TQ hay sao?” – dẫn lời bà Arroyo.

Trong nhiệm kỳ của mình, bà Arroyo đã ký với Bắc Kinh một thỏa thuận thăm dò chung gây tranh cãi ở Biển Đông. Một vụ kiện thách thức tính hợp hiến của thỏa thuận này đang chờ xử lý ở Tòa án Tối cao, hãng tin Rappler cho hay.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague (PCA) phán quyết rằng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông được bảo vệ bởi các quyền chủ quyền của Philippines. Tuy nhiên, TQ đã từ chối công nhận quyết định này. Quan chức chính phủ Philippines đã đệ đơn khiếu nại ông Tập ở Tòa án Hình sự Quốc tế năm nay. Họ cáo buộc Bắc Kinh phá hủy các khu vực biển trong vùng biển tranh chấp, một động thái ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân ở đó.

 

Phản ứng của Mỹ

Mỹ vừa kêu gọi Philippines và TQ tránh việc sử dụng các ép buộc và đe dọa trong khi khẳng định chủ quyền của mỗi nước ở vùng biển tranh chấp, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết ngày 14-6.

“Quan điểm của chúng tôi ở biển Đông rất rõ ràng: Chúng tôi ủng hộ và tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp, hòa bình và ổn định” -  hãng tin ABS-CBN dẫn lời tuyên bố của Đại sứ quán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm