Catalonia và thực tế lạnh lùng sau tuyên bố độc lập

Sau giờ khắc mừng vui ngắn ngủi, Catalonia sau khi tuyên bố độc lập nhanh chóng đối mặt với thực tế lạnh lùng, một thực tế mà thành phần chủ trương ly khai đã luôn phải đối mặt trong lịch sử xung đột với chính phủ Tây Ban Nha.

Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tuyên bố độc lập, Catalonia đã nhận đòn giáng trả từ sức mạnh của chính phủ Tây Ban Nha.

Thượng viện Tây Ban Nha nhanh chóng bỏ phiếu thống nhất kích hoạt Điều 155 Hiến pháp, tước quyền tự trị Catalonia, chỉ vài phút sau khi nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý tuyên bố độc lập.

Trong khi các nghị viện Catalonia hùng hồn hát quốc ca của riêng mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ra tay, sử dụng quyền lực vừa được Thượng viện trao cho nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất Tây Ban Nha trong hàng thập niên.

Ông Rajoy lên truyền hình tuyên bố bãi chức Thủ hiến Carles Puigdemont, Phó Thủ hiến Oriol Junqueras cùng toàn bộ bộ máy chính quyền, giải tán nghị viện Catalonia. Ông Rajoy cũng tuyên bố sẽ bầu cử mới vào ngày 21-12, cuộc bầu cử mà ông Puigdemont đã muốn tổ chức để giải quyết căng thẳng với chính phủ trung ương.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhanh chóng ra tay với Catalonia ngày 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhanh chóng ra tay với Catalonia ngày 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Các diễn biến này cho thấy ông Puigdemont còn rất ít thực quyền và có nguy cơ sẽ bị bắt khi ông Rajoy lệnh cảnh sát quốc gia vào Catalonia vài ngày tới.

Dự kiến trong ngày hôm nay, 28-10, chính phủ trung ương ở Madrid sẽ chính thức ra các sắc lệnh xử lý vấn đề Catalonia. Sau đó, ông Puigdemont và cấp dưới cũng như các nghị viên sẽ phải lựa chọn chủ động ra đi hay bị cưỡng ép ra đi bằng vũ lực. Ông Rajoy sẽ nhanh chóng chỉ định người thay thế ông Puigdemont và cả ông Josep Lluis Trapero - chỉ huy lực lượng cảnh sát Catalonia càng sớm càng tốt, dự kiến sẽ trong cuối tuần này. Ông Puigdemont còn có nguy cơ bị Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala truy tố tội phản loạn.

“Chúng ta khả năng lớn sẽ chứng kiến bất ổn dai dẳng, có thể sẽ có cả bạo lực, xung độc giữa cảnh sát quốc gia và bộ phận ủng hộ hòa bình. Sẽ có một bộ phận chính quyền Catalonia từ chối tuân thủ chỉ đạo của chính phủ trung ương ở Madrid. Tất cả tùy vào diễn biến cuối tuần này, khi liệu chính quyền và nghị viện Catalonia có chủ động ra đi hay không” - nhà phân tích chính trị Federico Santi nhận định.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (phải) sau cuộc bỏ phiếu độc lập của nghị viện Catalonia chiều 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (phải) sau cuộc bỏ phiếu độc lập của nghị viện Catalonia chiều 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Một thực tế lạnh lùng nữa, là sự chia rẽ trong nội bộ người dân Catalonia về chuyện độc lập. Chỉ 47% dân Catalonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu độc lập ngày 1-10. Phần lớn người tẩy chay bỏ phiếu là theo chủ trương phản đối độc lập.

Đã xuất hiện nguy cơ xung đột giữa hai bộ phận người ủng hộ và phản đối độc lập. Trong ngày kịch tính 27-10, một nhóm thanh niên quấn cờ Tây Ban Nha và cờ Catalonia cố gắng tiến vào quảng trường bên ngoài tòa nhà chính quyền, nơi người ủng hộ độc lập đang ăn mừng nhưng bị cảnh sát Catalonia chặn lại. Những người phản đối độc lập đang kêu gọi biểu tình lớn ở Barcelona vào ngày 29-10.

Một vấn đề quan trọng khác, kinh tế Calalonia vốn chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Tây Ban Nha, đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều công ty phong tỏa hoạt động vì lo sợ bạo loạn. Chưa kể hàng trăm công ty rục rịch rút khỏi Catalonia.

“Thật là một sự rối loạn lớn và hoàn toàn không thể hiểu nổi. Giống như có một chiến lược biến nó thành một cuộc khủng hoảng lớn hết cỡ để rồi thế giới phải can thiệp. Nhưng tôi tin có một bộ phận lớn người dân muốn một giải pháp yên tĩnh” - ông Jordi Alberich, Tổng Giám đốc Hiệp hội Kinh doanh Cercle d’Economia ở Barcelona nói với Bloomberg.

Người dân Catalonia ăn mừng sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập, ngày 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Người dân Catalonia tập trung ăn mừng tại quảng trường Sant Jaume ở Barcolona sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập, ngày 27-10. Ảnh: BLOOMBERG

Nhìn rộng hơn, chính quyền Catalonia không chỉ không còn tồn tại trong mắt chính phủ Tây Ban Nha, mà cả trong mắt cộng đồng quốc tế, đặt biệt Liên minh châu Âu.

Ngay sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, hàng loạt nước châu Âu như Pháp, Đức và cả Mỹ, Mexico tuyên bố không công nhận, ủng hộ các nỗ lực của Thủ tướng Rajoy bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói việc Catalonia tuyên bố độc lập chẳng thay đổi được điều gì và Liên minh châu Âu sẽ chỉ làm việc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.